Nguồn gốc về cúng Rằm tháng Giêng
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, mang ý nghĩa ngày Rằm đầu tiên của năm mới.
Dịp này, người dân Trung Quốc có tập tục treo đèn màu sặc sỡ trước cửa và ăn bánh trôi với hi vọng một năm mới an lành, đầy đủ.
Thời gian cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là vào giờ Ngọ, tức từ 11h đến 13h, vì đây là thời khắc Thần Phật giáng thế. (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Thế nhưng Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam lại bắt nguồn từ việc đồng áng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Theo phong tục, sau một khoảng thời gian nghỉ Tết dài, người dân sẽ ra đồng đốt cỏ khô, lá khô để tiêu diệt sâu bọ rồi tiếp tục bắt tay vào làm các công việc tiếp theo.
Còn đối với Phật giáo, Rằm tháng Giêng là dịp để các chùa cầu nguyện sự an lành, no ấm và phát triển cho đất nước và nhân dân.
Thời gian cúng rằm tháng Giêng tốt nhất là vào giờ Ngọ, tức từ 11h đến 13h, vì đây là thời khắc Thần Phật giáng thế. Còn nếu không sắp xếp được thời gian cũng như công việc để cúng vào ngày giờ nêu trên thì có thể cúng trước từ sáng ngày 18/2 Dương lịch (tức 14/1 âm lịch) đến trước 19h ngày 19/2 Dương lịch.
Nhiều người dân không hiểu hết ý nghĩa của lễ cúng Rằm tháng Giêng, cứ cho rằng mâm cao cỗ đầy mới thể hiện được tấm lòng thành của mình, nhưng thực ra, các gia đình chỉ cần chuẩn bị mâm cỗ cúng sao cho tươm tất, đầy đủ, phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của gia đình mình là được.
Điều quan trọng nhất trong nghi lễ cúng này là mọi người phải thể hiện được tấm lòng biết ơn và thành kính đối với ông bà, tổ tiên của mình, từ đó gửi gắm mong muốn về một năm mới bình an, hạnh phúc.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu những thứ này
Về cơ bản, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng sẽ có một con gà trống. Theo quan niệm mang ảnh hưởng của Nho giáo thì gà trống đại diện cho người quân tử với năm đức tính “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, là một trong những món lễ cúng bắt buộc trong nghi lễ truyền thống.
Khi chọn gà cúng cần chọn loại gà đẹp mã, mào đẹp, còn chưa đạp mái tượng trưng cho sự khỏe mạnh, tinh khiết. Con gà nào có ức vươn lên, cựa mới nhú, lườn không bị nhọn thì khi luộc lên sẽ có hình dáng đẹp mắt.
Các món ăn kết hợp hài hòa đăng đối, đủ vị đủ sắc đủ hương là lời cầu mong gia tiên cùng con cháu quây quần (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Tiếp đó là bánh chưng, bánh tét, một món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt Nam. Bánh chưng tượng trưng cho mặt đất hình vuông, mang ý nghĩa biết ơn trời đất đã ban mưa thuận gió hòa để nhân dân no ấm.
Xôi gấc có màu đỏ vừa giúp mâm cỗ thêm đẹp mắt, vừa có ý nghĩa mang lại may mắn, sung túc cho gia chủ trong năm mới.
Theo phong tục, cúng Rằm đầu năm phải có đôi chân giò để gia đình sung túc ấm no, có đôi có cặp. Ở nhiều nơi chân giò được thay thế bằng giò chả.
Ngoài các món mặn, mâm cơm cúng còn có món xào và món canh, thường là canh ngũ sắc hoặc canh măng miến tùy theo sở thích của từng người. Ở phương Nam, bổ sung thêm món thịt kho tàu và canh thường là canh khổ qua.
Mâm cỗ không thể đầy đủ nếu thiếu bát cơm tẻ, hạt cơm trắng trong đầy đặn đại diện cho sự sinh sôi nảy nở và tiếp nối truyền thống coi trọng nông nghiệp, quý trọng lương thực của ông cha.
Các món ăn kết hợp hài hòa đăng đối, đủ vị đủ sắc đủ hương là lời cầu mong gia tiên cùng con cháu quây quần, tiến tới năm mới an lành thịnh vượng, xua đi những điều phiền muộn đã qua.
Trong dịp Rằm tháng Giêng này, có những gia đình còn chuẩn bị thêm món bánh trôi. Vốn đây là một món không hề có trong mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội xưa, bởi họ chỉ cúng loại bánh này chủ yếu vào ngày mùng 3/3 âm lịch, nhưng do sự du nhập của những người ở tỉnh khác, bánh trôi mới xuất hiện trong mâm cơm cúng.
Ngoài các món ăn mặn trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng, gia đình chuẩn bị thêm bánh kẹo và các loại hoa quả thích hợp theo từng mùa và từng vùng miền. Miền Bắc thường cúng chuối, quất, táo, cam, đào… Còn người miền Nam thường là mãng cầu, đu đủ, xoài, sung, dừa…
Theo baogiaothong.vn, 24h.com