Tìm đến làng An Thông (Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang), hỏi công viên với cái tên khá đặc biệt: "Công viên ông Chỉnh" thì ai ai cũng biết đến. Nằm ngay sát cổng vào làng An Thông, công viên này có nhiều loại đồ chơi dành cho các em nhỏ như xích đu, cầu trượt, bập bênh… đẹp mắt.
"Công viên ông Chỉnh" nằm cạnh cổng vào làng An Thông.
Trong công viên cũng được trang trí một bức tranh lớn, màu sắc bắt mắt nổi bật. Đều đặn 2 buổi sáng, chiều, đám trẻ quanh vùng lại hẹn nhau ra "công viên ông Chỉnh" vui chơi như một thói quen bổ ích.
Theo người dân quanh vùng, công viên trên là do gia đình ông Nguyễn Đức Chỉnh (71 tuổi) sống trong làng An Thông xây dựng cho trẻ em đến vui chơi. Điều đáng nói, công viên mở cửa với phí vào chỉ bằng "những nụ cười".
Vào một ngày giữa tháng 3 năm 2020, con trai cả của ông Chỉnh đang sinh sống tại Nhật Bản đã nảy sinh ý định xây dựng công viên giữa làng quê và nói với ông. Người con trai của ông muốn đóng góp cho quê hương bằng việc xây một công viên cho trẻ em vui chơi.
Vợ chồng ông Chỉnh vui vẻ nhớ lại thời điểm mới bắt đầu lên ý tưởng xây dựng công viên.
Giờ đây các con của ông đều đã thành đạt nơi xứ người nhưng vẫn luôn hướng về quê hương.
Khi vừa nghe con trai đặt vấn đề xong thì ông Chỉnh lập tức đồng ý mà không cần suy nghĩ đắn đo. Người con xa xứ chuyển tiền về mua các nguyên vật liệu, dụng cụ vui chơi. Ở quê nhà, ông Chỉnh bày tỏ mong muốn của gia đình tới chính quyền địa phương và được lãnh đạo thị trấn ủng hộ nhiệt tình.
Từ đó, mỗi người một việc, bắt tay vào xây dựng công viên. Ông Chỉnh dùng 2 thổ đất rộng 200 mét vuông của gia đình, thuê máy móc san ủi, xây bờ bao xung quanh, trồng cây xanh tạo bóng mát, khuôn viên và chờ đợi mua các dụng cụ về lắp đặt.
Công viên có nhiều dụng cụ, đồ chơi cho các em nhỏ.
Hàng ngày mỗi 2 buổi sáng chiều, ông Chỉnh đều ra công viên dọn dẹp, quán xuyến các cháu nhỏ vui chơi tại đây.
Ngày mới bắt tay vào làm công viên, người dân quanh vùng không khỏi bàn tán ngán ngẩm vì cho rằng ông Chỉnh làm ý tưởng điên rồ: "Họ bảo tôi điên rồ, vì ở giữa vùng quê xây dựng công viên thì làm gì có ai vào chơi. Họ tưởng tôi làm để kinh doanh nên nói vậy, tôi kệ chẳng nói gì", ông Chỉnh tâm sự.
Ngoài bỏ 200 mét vuông đất, gia đình ông Chỉnh cũng bỏ ra 100 triệu đồng để mua dụng cụ, đồ trang trí, đồ chơi lắp đặt trong công viên. Gia đình ông cũng chuẩn bị những bộ bàn ghế đá để người dân đi thể dục, khi mỏi có chỗ để nghỉ chân trong công viên. Sau vỏn vẹn 1 tháng công viên đã chính thức hoàn thiện.
Kể từ khi làm xong công viên, ông Chỉnh cũng bận bịu hơn nhiều. Nhà ông cách công viên khoảng 100 mét, hàng ngày vào 2 buổi sáng – chiều, ông đều ra công viên dọn dẹp, quán xuyến các em nhỏ đến chơi.
Bập bênh, xích đu và cả cầu trượt đều được dựng lên để các em nhỏ vui chơi.
Những đồ chơi tưởng như đơn giản nhưng lại là những món quà vô cùng ý nghĩa đối với các em nhỏ vùng thôn quê.
"Mình làm ra công viên thì phải có trách nhiệm, không thể làm ra rồi để đó. Tránh trường hợp trẻ mải chơi bị tai nạn, hoặc ném đất đá vào nhau ông lại mang tiếng với dân làng. Cứ mỗi buổi chiều, trẻ trong làng An Thông và cả các làng lân cận đến chơi đông vui, cứ thấy mọi người cười nói vui vẻ là tôi phấn khởi và thấy mình cũng trẻ ra nhiều", ông Chỉnh tâm sự.
Khi công viên bắt đầu đi vào hoạt động, nhiều người dân quanh vùng mới ngỡ ngàng khi biết rằng mục đích xây công viên của gia đình ông Chỉnh là chỉ mong muốn mọi người đến vui chơi, cười nói vui vẻ. Mọi người vào đều được miễn phí.
Trong công viên, ông Chỉnh treo tấm biển nhỏ ghi rõ ràng: "Đây là công viên thiện nguyện hoàn toàn, với mong ước: Tạo ra sân chơi bền vững, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn cho thế hệ mới. Cổ vũ tinh thần vì mọi người, giúp xã hội văn minh hơn. Công viên ưu tiên phục vụ trẻ em dưới 15 tuổi, không phân biệt nơi ở".
Bức tranh bắt mắt sặc sỡ được trang trí tại công viên.
Chi phí lắp đặt, xây tường bao nhỏ quanh công viên lên tới cả trăm triệu đồng.
Sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, chẳng có bảo vệ, không tường cao hào sâu nhưng đồ đạc trong công viên chưa bao giờ bị mất trộm.
Ông Chỉnh cũng ghi rõ một số quy định tại công viên như: Nhường nhịn lẫn nhau, cùng chơi; giữ gìn đồ chơi và trang thiết bị; giữ vệ sinh chung; không đốt lửa, đốt pháo; không hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện; không đỗ xe trong công viên…
Mỗi buổi chiều, trẻ em quanh vùng đều rủ nhau đến "công viên ông Chỉnh" chơi như một thói quen. Công viên cũng đặt sẵn nhiều bàn, ghế đá cho người dân đi qua nghỉ ngơi.
Những món đồ chơi không quá cầu kỳ nhưng đối với gia đình ông Chỉnh, được thấy các em nhỏ vui chơi lành mạnh, bổ ích, vui vẻ thì đó cũng đã là một hạnh phúc.
Từ khi công viên được xây dựng, người dân quanh khu vực đều rất đồng tình vì các em nhỏ có chỗ vui chơi an toàn, bổ ích. Ngoài xây dựng công viên này, ông Chỉnh cũng ủng hộ thêm các dụng cụ vui chơi cho làng bên cạnh.
Được biết, tính tới thời điểm hiện tại gia đình ông Chỉnh đã xây dựng 2 công viên vui chơi miễn phí cho trẻ nhỏ. Gia đình ông cũng bày tỏ mong muốn những người con xa quê, những người có điều kiện về kinh tế nếu có thể hãy làm thiện nguyện, tạo môi trường vui chơi bổ ích cho các em nhỏ trên khắp mọi miền tổ quốc.
Luôn mong muốn có thể đóng góp cho quê hương, gia đình ông Chỉnh đã từng được tôn vinh là 1 trong số những gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc. Những người con của ông Chỉnh dù đã thành đạt tại nơi đất khách nhưng vẫn luôn hướng về nơi mình đã sinh ra.