Marion Potriquet (22 tuổi) là một cô gái người Pháp gốc Việt. Năm 1996, Marion được sinh ra tại Bệnh viện phụ sản TPHCM (nay là Bệnh viện Từ Dũ). Nhưng chỉ vài giờ sau khi chào đời, vì một lý do nào đó, mẹ đã bỏ lại Marion một mình ở bệnh viện, cô đơn và trống vắng. Chỉ có một tờ giấy ghi lại đôi ba thông tin mỏng manh nhưng vô cùng quý giá. Mẹ là Niêm Nhục Kiếu - 25 tuổi, và mẹ đặt cho Marion một cái tên rất hay, Niêm Thục Nữ.
Sau 22 năm, trên một hành trình đơn độc nhưng vô cùng mạnh mẽ, Marion chọn Việt Nam cho những tháng ngày học tập của mình. Có lẽ đằng sau quyết định này là khát khao được tìm về nguồn cội, gốc rễ. Và trong sâu thẳm trái tim người con gái Pháp là nguyện ước cháy bỏng tìm thấy mẹ đẻ của mình - bà Niêm Nhục Kiếu, bây giờ đã 47 tuổi.
Marion Potriquet, tên Việt Nam là Niêm Thục Nữ - cô gái trẻ người Pháp gốc Việt đầy bản lĩnh trên hành trình tìm mẹ. |
"2 tháng tuổi, tôi được mẹ nuôi bế lên máy bay đi Pháp"
Chúng tôi hẹn gặp Marion vào buổi sáng Hà Nội trong lành và thoáng đãng. Đó là một cô gái người Pháp gốc Việt với làn da rám nắng tràn đầy sức sống. Đôi má lúm đồng tiền nở nụ cười có chút bẽn lẽn, khuôn mặt tròn trịa và vô cùng xinh đẹp. Marion không nói được tiếng Việt, nhưng cô cảm giác như mình thuộc về đất nước này. Nơi mà cách đây 22 năm, cô được sinh ra và đến với cuộc đời này một cách đặc biệt.
Tháng 3/1996, đúng 1 tháng trước khi Marion chào đời, bố mẹ người Pháp đã bắt chuyến bay kéo dài hàng chục tiếng tìm đến cô nhi viện Gò Vấp (nay là Trung tâm nuôi dưỡng và phát triển trẻ em Gò Vấp) chờ nhận nuôi một đứa trẻ. Tuy nhiên thời điểm đó, trung tâm lại không có đứa trẻ nào.
Tháng 4/1996, mẹ Kiếu hạ sinh Marion tại Bệnh viện Phụ sản TPHCM (nay là Bệnh viện Từ Dũ). Marion khi đó chỉ nặng hơn 2kg, gầy gò và ốm yếu. Vài tiếng sau sinh, mẹ để Marion lại một mình.
Một vài giấy tờ liên quan tới Marion phía Trung tâm Gò Vấp cung cấp. Ảnh: NVCC |
"Tôi đã được đón về cô nhi viện ở Gò Vấp và ngay sau đó được một gia đình người Pháp nhận nuôi. Bố mẹ đã đợi 1 tháng để đón tôi về. Thời điểm đó, họ biết có nhiều gia đình nhận con nuôi ở Việt Nam. Họ đã nghĩ tại sao mình không làm điều tương tự và đã quyết định đến Việt Nam vào tháng 3 năm 1996. 2 tháng tuổi, tôi được mẹ bế lên máy bay đi Pháp".
Marion có một người chị gái hơn mình 5 tuổi. Cô ấy cao, da trắng, tóc vàng, mắt xanh, hoàn toàn khác với ngoại hình của Marion. Khi bố mẹ nhận nuôi Marion, chị gái đã ôm ấp em bé ngay từ lần đầu gặp mặt tại Sài Gòn. Những tấm ảnh chụp lại khoảnh khắc tuyệt vời ấy vẫn được gia đình lưu giữ. Cả nhà đã cười sung sướng khi bồng Marion và cho mãi đến sau này.
Từ khi còn rất nhỏ, Marion đã biết mình là một đứa trẻ được bố mẹ nhận nuôi. Họ đã nói chuyện nghiêm túc với Marion khi cô đủ tuổi để hiểu, không giấu giếm bất cứ điều gì. Dĩ nhiên bản thân cô cũng nhận ra mình là con nuôi ngay từ khi còn rất nhỏ, vì màu da, mái tóc, đôi mắt khác biệt của mình trong gia đình.
Mẹ và chị gái người Pháp của Marion. Ảnh: NVCC |
"Tôi không gặp bất cứ vấn đề nào khi đón nhận điều đó. Trái lại, tôi nghĩ mình đã được lớn lên với câu chuyện độc đáo và hạnh phúc với nó. Cuộc sống ở Pháp rất tốt, chị gái luôn ân cần chăm sóc tôi, vì đó là chị gái lớn của tôi mà".
Ở trường học đôi khi Marion bị trêu chọc, thậm chí có những câu hỏi tò mò nhưng rồi mọi thứ đều qua nhanh. Cô tự hào về nguồn gốc của mình. Marion biết mình khác biệt, nhưng không hoàn toàn như thế vì cô không đơn độc. Marion có 2 người bạn cũng là người Việt và đều được nhận nuôi như cô. Một trong 2 người đã may mắn tìm lại được mẹ đẻ của mình một vài năm về trước.
"Cậu ấy đã quay lại Việt Nam tìm mẹ, và nhờ vào một người bạn phiên dịch, điều kỳ diệu đã xảy đến. Cậu ấy tìm thấy mẹ đẻ và 2 người em gái khác nữa. Với tôi, đó thực sự là một cú sốc và quá đỗi bất ngờ. Nhưng cho đến tận cùng, bà mẹ của hiện tại vẫn chẳng thể lý giải được việc đã bỏ rơi con mình. Điều ấy quá khó để nói ra và cũng khó để hiểu...".
Chị gái cách Marion 5 tuổi, rất thương yêu cô. Ảnh: NVCC |
Tất cả những bức ảnh, tài liệu về cuộc đời đều được Marion cất giữ cẩn thận. |
"Mẹ ơi, hi vọng của mẹ đã được đền đáp"
Cuộc sống mới của Marion bắt đầu từ chuyến bay sang Pháp năm xưa. Từ một đứa trẻ tưởng như mồ côi, cô đơn trong cô nhi viện, bỗng chốc Marion có một gia đình êm ấm. Nơi đó có bố, có mẹ và cả chị gái. Cả gia đình luôn bên nhau, du lịch cùng nhau qua khắp thế giới trong những mùa hè: Ý, Hi Lạp, Croatia, Indonesia, Lào và cả Việt Nam nữa...
Không hề có sự phân biệt đối xử nào giữa cha mẹ và hai chị em. Mọi người đều mong Marion thành công và hạnh phúc. Và hơn nữa, cả gia đình đều khuyến khích cô kết nối với Việt Nam, tìm lại mẹ Kiếu. Khi bố mẹ quay lại Việt Nam, họ đã làm quen với những gia đình khác cũng đã nhận nuôi những đứa trẻ từ cô nhi viện Gò Vấp. Mọi người giữ liên lạc với nhau và mỗi năm cùng hẹn một ngày gặp mặt, đoàn viên.
"Tôi đã đến Việt Nam tổng cộng 3 lần kể từ khi được sinh ra, hầu hết đều là những chuyến nghỉ mát với bố mẹ. Tuy nhiên khi đó tôi còn quá bé để có thể nhớ mọi chuyện. Tôi đã từng thử đoán lý do mình bị bỏ rơi, có thể mẹ còn trẻ, khó khăn và mẹ đã đơn độc một mình sinh tôi. Mẹ bỏ lại tôi có lẽ vì nghĩ mình không thể cho tôi được một đời sống tốt. Mẹ hi vọng sẽ có một ai đó khác làm tốt hơn mẹ điều ấy.
Và mẹ ơi, hy vọng của mẹ đã được đền đáp...".
Tại Pháp, Marion theo học một trường Đại học về kinh tế. Trong một chương trình trao đổi về đào tạo quản lý giữa các trường Đại học, Marion đã quyết định đến Việt Nam học tập, du lịch và chắc chắn là để tìm mẹ.
Tháng 2/2017, cô đến Hà Nội theo học chương trình liên kết tại Đại học Kinh tế quốc dân. "Cảm giác lúc đó khá sốc vì tôi đi một mình và mọi thứ rất lạ lẫm. Nhưng chỉ một thời gian sau, tôi quý Hà Nội nhiều lắm. Tôi chưa bao giờ tiếc nuối về hành trình này. Để thuận tiện cho việc tìm mẹ, lúc thì tôi ở Hà Nội, lúc lại Sài Gòn. Tuy nhiên phần lớn thời gian phải dành cho việc học, những người bạn sẽ giúp tôi tìm kiếm mẹ".
Cô gái trẻ đã "đi dạo" một vòng để nhìn ngắm Việt Nam, quê hương của mẹ Kiếu và cũng là của cô. Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Mai Châu, Hà Giang... phong cảnh thật tuyệt vời, con người thật nồng hậu với những giá trị văn hóa thật quý giá. Marion đã học tiếng Việt nhưng rất tiếc là chưa thành công vì tiếng Việt thật khó.
"Hành trình này cho phép tôi kết nối với đất nước quê hương, mặc dù tôi không có bất cứ kỷ vật nào thời điểm bị bỏ rơi. Nhưng tôi đã quay về Việt Nam và cảm thấy thân quen".
Marion khát khao tìm thấy mẹ đẻ của mình. |
"Bước chân tìm về cô nhi viện là một bước đi dài nhất trong đời tôi cho đến bây giờ"
Cách đây mấy tháng, Marion đã đến Sài Gòn, quay lại nơi cô được đón về từ bệnh viện. Cô nhi viện Gò Vấp nay đã thành Trung tâm nuôi dưỡng và phát triển trẻ em. Khung cảnh chưa thay đổi nhiều. Bước chân đi vào đó là một bước đi dài nhất trong đời Marion cho đến bây giờ. Một trải nghiệm thật nhiều cảm xúc. Nhìn thấy những bé sơ sinh đang nằm trong nôi, những em bé đang bò, đang tập đi, cô như thấy chính mình ở đó cách nay 22 năm.
Họ bảo rằng thời đó mẹ Kiếu rất trẻ, chỉ mới 25 tuổi. Để tìm mẹ, Marion cầu viện sự giúp đỡ từ trung tâm Gò Vấp. Phía trung tâm đã liên kết với một tổ chức và mời Marion tham gia vào chiến dịch "Tìm kiếm nguồn cội cho người Việt Nam" cùng những người bạn cùng cảnh ngộ.
"Cuối tháng 7 tới, tôi có một cuộc gặp gỡ với phía Trung tâm nuôi dưỡng và phát triển trẻ em Gò Vấp. Họ sẽ cho tôi tiếp cận với những dữ liệu mới nhất để kiếm tìm mẹ Kiếu. Tuy nhiên, vì nữ sơ chăm sóc tôi đã qua đời cách đây không lâu nên có vẻ chặng đường phía trước vẫn sẽ còn rất nhiều gian nan".
Trên hành trình tìm kiếm mẹ, Marion muốn biết bố mẹ đẻ mình là ai, liệu họ có sống tốt không? Nếu họ có cần bất cứ sự trợ giúp nào, cô luôn sẵn sàng bên cạnh. Bố mẹ sống ở đâu, liệu cô có anh chị em nào khác nữa không? Nhưng quan trọng nhất, là lý do vì sao mẹ lại bỏ rơi Marion.
"Tôi nghĩ vì mẹ quá khó khăn thời điểm đó và không đủ bình tĩnh xử lý mọi chuyện dẫn đến việc buộc phải bỏ rơi tôi. Tôi đã bắt đầu mong muốn tìm mẹ đẻ từ khi còn là một thiếu niên, cách đây tầm 10 năm. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi, buồn và áp lực nữa vì tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu và hành trình này có đi tới kết quả nào hay không.
Đây là một hành trình dài, một chặng đường dài, nhưng tôi vẫn luôn lạc quan và có nhiều hy vọng để bước tiếp và tìm mẹ".
Cách đây 10 năm, Marion chưa có cơ hội để một mình đương đầu với "cuộc chiến". Nhưng chính thời điểm này, khi Marion 22 tuổi, cô nghĩ bản thân đủ kiên cường và dũng cảm để bước đi tìm mẹ Kiếu. "Sự phát triển của Internet, mạng xã hội sẽ giúp tôi tìm thấy mẹ dễ dàng hơn. Việc của tôi hiện giờ là phải luôn mạnh mẽ! Cuối tháng 8 tôi phải về Pháp cho việc học tập, nhưng chắc chắn tôi sẽ quay lại Việt Nam. Vì mẹ Kiếu vẫn ở Việt Nam mà, tôi phải tìm ra bà chứ!
Tôi đã viết một lá thư cho mẹ...".
"Con đã bật khóc vì biết ơn những cô bảo mẫu, những người làm việc ở cô nhi viện, và bật khóc vì biết mình may mắn. Con tự hỏi nếu mình đã không được nhận làm con nuôi thì hôm nay cuộc sống đã ra sao? Nhìn các em nhỏ rất dễ thương này, con cầu cho các em sẽ có được một gia đình mới yêu thương như con đã may mắn có được. Và con nghĩ đến mẹ. Mẹ là ai? Mẹ đang ở đâu? Cuộc sống của mẹ như thế nào? Mẹ có được hạnh phúc, mạnh khỏe không? Mẹ đã cho con cuộc sống này, con đã rất hạnh phúc và không giận, không ghét mẹ.
Con đã nghĩ đến khoảnh khắc được gặp mẹ một ngàn lần, nhưng vẫn chưa biết mình sẽ phản ứng thế nào, sẽ nói gì, nhưng chắc chắn là con sẽ rất hạnh phúc. Và chắc chắn cuộc đời con sẽ có những thay đổi lớn lao, mãi mãi với việc được gặp mẹ. Con đã sẵn sàng rồi.
Con còn trẻ và tràn đầy năng lượng. Con biết một lúc nào đó ngày ấy sẽ đến. Dù việc tìm kiếm có khó khăn, con sẽ không từ bỏ. Lá thư này con viết như một cách để tìm sự giúp đỡ từ những người bạn Việt Nam. Nếu mẹ đọc được, xin hãy liên lạc với họ để tìm con nhé, mẹ Niêm Nhục Kiếu.
Cảm ơn mẹ vì đã cho con cuộc sống tốt đẹp này.
Con gái mẹ,
Niêm Thục Nữ".
Marion Potriquet, tên Việt Nam: Niêm Thục Nữ.
Sinh ngày 10/4/1996 tại Bệnh viện Phụ sản TPHCM, nay là Bệnh viện Từ Dũ.
Được vợ chồng Pháp nhận nuôi từ năm 2 tháng tuổi.
Email: marion_62@live.fr.
Trích bài chia sẻ mong muốn sự trợ giúp của Marion trên trang facebook cá nhân:
"Xin chào!
Tôi đang cần tìm những người đã làm việc tại BV Từ Dũ: Bác sỹ Lê Diễm Hương (trưởng khoa) và bà Nguyễn Thế Mười (y tá/ hộ sinh). Tôi sinh vào ngày 10/04/1996 tại bệnh viện Từ Dũ, vài ngày sau mẹ bỏ lại tôi ở một trại trẻ mồ côi khu vực Gò Vấp.
Rồi tôi được một gia đình người Pháp nhận nuôi. Tôi muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình. Những bác sĩ, y tá này có thể còn nhớ những chi tiết về tôi vì họ có mặt khi tôi được sinh ra. Nếu các bạn biết thông tin gì về họ, làm ơn cho tôi biết nhé!
Xin chân thành cảm ơn!".
Theo Tri Thức Trẻ