Có nên cho trẻ ăn nội tạng động vật theo quan niệm "ăn gì bổ nấy" không?

(lamchame.vn) - Trong nội tạng động vậy đa phần đều chứa nhiều chất đạm, chất béo, các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A, nhưng cũng có nhược điểm là chứa nhiều chất béo đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao nhất là trong óc, gan và bầu dục. Vậy có nên cho trẻ ăn nội tạng không?

Phủ tạng động vật bao gồm: óc, tim, gan, thận (bầu dục), dạ dày, ruột... Thông thường chúng ta hay ăn tim, gan, bầu dục dạ dày của lợn, gà, ngan, vịt, ngoài ra còn ăn tim gan của trâu bò nhưng ít hơn. Trên thực tế có quan niệm cho rằng không nên ăn gan động vật, vì gan là cơ quan thải độc, khi ăn gan sẽ độc hại cho cơ thể. Hoặc một số người cho rằng “ ăn gì bổ nấy” như: ăn óc bổ óc, ăn tim bổ tim, ăn thận bổ thận…. Cho nên khi bị bệnh ở cơ quan nào thì mua các phủ tạng tương ứng của động vật về ăn cho bổ và chữa bệnh.

Có nên cho trẻ ăn nội tạng không?
 

Ảnh minh họa

Theo ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai - Khoa Dinh dưỡng BV. Nhi Đồng 2, nội tạng chứa dinh dưỡng cao, trong đó phải kể đến là gan, đây là nguồn nguyên liệu cung cấp vitamin A tuyệt vời. Bên cạnh đó, gan còn chứa các yếu tố vi lượng khác như acid folic, sắt, chromium, đồng, kẽm và góp phần cải thiện huyết sắc tố trên những bệnh nhân thiếu máu.

Đối với tim là nguồn cung cấp folate, sắt, kẽm và selen phong phú. Nó còn là kho chứa vitamin B1, B6, B12.Vitamin nhóm B có tác dụng bảo vệ trên hệ tim mạch, góp phần duy trì huyết áp ổn định, giảm cholesterol và giúp thành mạch được mạnh khỏe. Chúng còn có tác dụng tốt trên não, giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh Alzheimer’s , trầm cảm và lo âu. Tim động vật còn là nguồn cung cấp coenzyme Q10 - là chất chống oxy hóa giúp chống quá trình chết tế bào theo chương trình, đặc biệt là tế bào cơ tim.

Vậy có nên cho trẻ ăn nội tạng không? Theo giáo sư Lynn, chuyên gia dinh dưỡng của Viện Weston A Price, các loại nội tạng nên dùng cho trẻ là: Gan, tim, óc và trứng cá. Đây là nguồn cung cấp một số vitamin và khoáng chất như vitamin A, folate, choline, kẽm, sắt, và vitamin B12.

Tuy nhiên khi sử dụng thịt nội tạng, giáo sư cũng khuyên không nên dùng cật, thận, mắt động vật và gan cá biển.

Tim, gan có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.

Tuy nhiên, do gan là một cơ quan lọc thải độc chất có trong cơ thể. Hàm lượng các chất này trong gan phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn của gia súc và gia cầm. Nếu ăn quá nhiều gan gia cầm, các chất độc này có thể được tích tụ gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ.

Tóm lại, cũng như nhiều thực phẩm khác, phủ tạng động vật vừa có giá trị dinh dưỡng nhất định nhưng lại có thể gây hại nếu ăn quá nhiều.

Khi cho trẻ ăn nội tạng động vật mẹ nên chọn thịt nội tạng có nguồn gốc rõ ràng hoặc từ nguồn động vật được nuôi từ gia đình. Đối với những động vật sử dụng thức ăn tăng trưởng thì không nên dùng nội tạng của chúng.

Quan niệm "ăn gì bổ nấy" có đúng không?

Quan niệm "ăn gì bổ nấy" là không đúng vì không có cơ sở khoa học. Ví dụ có người cho răng ăn óc bổ óc cho nên khi bị đau đầu thì mua óc về ăn, hoặc cho trẻ em ăn óc để thông minh là không đúng. Trong óc lợn có hàm lượng chất đạm thấp chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá, nhưng hàm lượng cholesterol lại rất cao, chỉ cần ăn 100g óc lợn lượng cholesterol đã gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày (một ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250 - 300mg cholesterol). Cho nên những người đau đầu mà nguyên là do tăng huyết áp thì ăn óc là cực kì nguy hiểm. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, còn ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân - béo phì còn ảnh hưởng đến phát triển trí não.

Một số quan niệm ăn thận bổ thận cũng hoàn toàn không đúng, nhất là những người bị suy thận cần ăn giảm chất đạm, đặc biệt bệnh thận hư nhiễm mỡ thường bị rối loạn chuyển hoá lipit, lượng cholesterol trong máu tăng cao mà lại ăn nhiều thận thì lại càng làm cho bệnh nặng thêm. Hay quan niệm ăn tim bổ tim cũng vậy, người bị bệnh tim mach thường hay có tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nếu cứ ăn nhiều tim sẽ làm cholesterol máu tăng cao rất nguy hiểm.

Tóm lại, ăn phủ tạng động vật tốt với người này nhưng lại có thể không tốt đối với người khác. Không nên ăn thường xuyên, chỉ nên ăn mỗi tuần 2 lần, mỗi lần ăn từ 50 - 70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 - 50g/bữa.

Mội số lưu ý khi cho trẻ ăn nội tạng

Mặc dù giàu giá trị dinh dưỡng nhưng cần thận trọng khi cho trẻ ăn nội tạng, sau đây là những lưu ý cần thiết:

- Khi mua nên chọn loại còn tươi, ấn vào mặt gan, tim dẻo còn đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn, không mua các loại gan có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi, Tốt nhất biết được nguồn gốc các loại phủ tạng này từ nơi giết mổ đã qua kiểm dịch từ những con vật khoẻ mạnh không mắc bệnh.

- Ngoài ra, cần nhớ luôn tuân thủ nguyên tắc “ăn chín uống sôi” trong chế biến.

- Nội tạng là nguồn cung cấp chất đạm và béo là chủ yếu bên cạnh các yếu tố dinh dưỡng khác nên khi ăn phải cân đối khẩu phần. Cụ thể, một phần ăn dặm của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm tinh bột – đạm – béo – vitamin và chất xơ.

- Thịt nội tạng động vật (gan, tim, óc, trứng) dùng cho bé từ 10 tháng tuổi, tuy nhiên đối với gan ngỗng thì nên dùng cho bé sau 12 tháng tuổi. Tuần sử dụng không quá 2 ngày/tuần.

- Mặc dù thịt nội tạng có nhiều chất dinh dưỡng nhưng khuyên không nên dùng quá 2 ngày/ tuần vì ăn quá nhiều sẽ gây gánh nặng nên thận của trẻ.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU