Có thực chất khi TP HCM cấm giao bài tập, học thuộc bài mẫu?

(lamchame.vn) - TP HCM yêu cầu các trường không soạn bài mẫu, học sinh không học thuộc lòng; đồng thời xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa yêu cầu các trường tiểu học tổ chức ôn tập ngay trên lớp, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương bài mẫu bắt buộc học sinh làm. Bên cạnh đó, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu; giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách tự học, ôn tập.

Nhiều ý kiến băn khoăn liệu những quy định trên có hiệu quả, thực chất? Làm sao để đánh giá chính xác quá trình thi cử của học sinh? 

Trao đổi với phòng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết quy định như trên của Sở GD-ĐT TP nhằm đổi mới quá trình dạy học và ôn tập tại các cơ sở giáo dục; đổi mới phương pháp dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày một cách mạch lạc, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện cách viết các kiểu văn bản. 

"Giáo viên tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản. Ở mỗi bước giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý, giúp học sinh hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản" - ông Quốc nhấn mạnh.

TP HCM đã xây dựng bộ công cụ đánh giá nhằm hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm để quá trình kiểm tra, đánh giá thực chất

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, để thực hiện được mục tiêu trên đồng thời đổi mới năng lực dạy học ở các trường, Sở GD-ĐT TP HCM đã có hướng dẫn trong cách ra đề kiểm tra, đánh giá. Giáo viên cần tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập; yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kỹ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới. 

Khi đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dụng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh; khắc phục tình trạng các em chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Để quá trình kiểm tra, đánh giá diễn ra thực chất, xác định chính xác năng lực học sinh, Sở GD-ĐT TP HCM đã xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. "Khi nhận xét, đánh giá phải luôn tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực, đạo đức, pháp luật" - Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM giải thích.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU