Bệnh nhi được duy trì điện châm từ 20-30 phút mỗi ngày
Theo nghiên cứu, trẻ từ 1-3 tháng tuổi đã phát ra âm thanh; từ 4-6 tháng bập bẹ những âm đơn; 7-9 tháng đã phát âm “ba”, bà; 12-18 tháng tuổi bắt đầu nói được 1-2 từ hoặc câu đơn giản. Do đó, phụ huynh cần lưu ý những mốc thời gian trên để nắm được các biểu hiện bất thường như: từ 1-3 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh, không phát ra âm thanh; sau 4 tháng đến 12 tháng trẻ không phản ứng với âm thanh, không phát âm được bất cứ từ nào, không phản ứng khi được gọi tên… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, đánh giá tổng quát khả năng nghe. Ở giai đoạn sau 2 tuổi, trẻ chưa nói được từ nào hoặc chỉ nói được bập bẹ vài từ hoặc nói được những nguyên âm cũng được đánh giá chậm nói, được xem là giai đoạn trễ để điều trị.
Bác sĩ Diệp khuyến cáo: “Trẻ chậm nói thể hiện sự chậm phát triển, nếu chủ quan không điều trị sớm trẻ sẽ chậm giao tiếp. Vốn ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, cho nên quá trình phát triển về sau trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bên cạnh chủ động phát hiện sớm, can thiệp sớm bằng y học để điều trị cho trẻ chậm nói cũng cần sự phối hợp từ phía phụ huynh. Theo đó, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều môi trường xã hội, cho trẻ tiếp xúc với nhiều người. Ở nhà, phụ huynh nên tăng cường giao tiếp với trẻ, tăng cường chia sẻ, kích thích trẻ được chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn”.
Trẻ chậm nói có thể có nhiều nguyên nhân: Trước sinh, thai phụ mắc những bệnh lý, hoặc có thói quen uống rượu hút thuốc. Trong quá trình sinh, trẻ bị ngạt hoặc sang chấn. Sau sinh trẻ bị nhiễm trùng, sốt cao, động kinh, suy dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển. Bên cạnh đó là những nguyên nhân về môi trường gia đình, yếu tố tâm lý, cha mẹ ít trò chuyện, chia sẻ với con…