Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.
Trước sự kỳ vọng của cha mẹ, con sẽ phải không ngừng cố gắng để học giỏi, ngày càng đạt được những thành tích cao hơn nữa. Vì cần để tâm đến việc thỏa mãn lòng tự hào của cha mẹ, con có thể quên đi cảm nhận của bản thân, quên đi mình thực sự cần gì. Con sẽ học không phải cho chính con mà là học vì cha mẹ. Con không được sống là chính con nữa.
Đến khi trưởng thành, con sẽ càng để ý cái nhìn của người khác, vì mong được người khác công nhận mà tự gây áp lực lên chính mình.
Bên cạnh đó, không ít bậc cha mẹ bị mắc kẹt trong tư duy con mình phải giỏi, phải tốt, phải thành công hơn con nhà người ta. Cha mẹ khao khát được người khác ghi nhận mình thông qua thành tựu của con. Vì thế, cha mẹ lấy con làm công cụ để đi khoe với người khác, để mọi người ngưỡng mộ mình, chứ không thật sự quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ, ước mơ của con.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, nhiều đứa trẻ bề ngoài cố gắng làm hài lòng cha mẹ nhưng sâu bên trong là cảm xúc trống rỗng, không biết mình thực sự cần gì, muốn gì, buồn bã, lo sợ khi không đạt được thành tích như bố mẹ kỳ vọng. Đến một lúc nào đó, trẻ có thể sẽ bộc phát ra những hành vi phản kháng, chống đối, chán học hoặc rối loạn lo âu, trầm cảm.
Nữ chuyên gia cho rằng, những thành tích của con mà nhiều bậc cha mẹ khoe trên mạng chỉ phản ánh kết quả chứ không thể hiện rõ được quá trình. Điều cha mẹ cần nhất không nên là việc lên mạng xã hội “khoe con nhưng thực chất là khoe mình”, mà là hãy đồng hành, dẫn dắt, ghi nhận sự nỗ lực trong cả quá trình học tập của con.
Đồng thời lắng nghe, thấu hiểu, ủng hộ giấc mơ của con, để con được sống là chính con, để con nhận ra tầm quan trọng của việc học, học là vì chính con chứ không phải học vì niềm tự hào của cha mẹ.