Con bị bạn đánh, mẹ bị chê không biết dạy con tự vệ

(lamchame.vn) - “Khi nói chuyện với hàng xóm về việc con mình bị đánh, họ chê trách con tôi nam nhi mà yếu đuối, còn tôi không biết dạy con tự vệ”, chị Phương kể.

Bạo lực học đường hiện nay đã trở thành vấn nạn của xã hội. Là phụ huynh, ai cũng lo sợ con em mình trở thành nạn nhân hoặc liên quan đến những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rằng những vấn nạn bạo lực này bắt nguồn từ cách nuôi dạy từ nhỏ nhặt nhất trong gia đình.

Hiện nay, không ít phụ huynh cho rằng chuyện tranh giành, đánh nhau giữa con trẻ là vấn đề không quá đáng lo, trẻ còn nhỏ dạy dỗ không thể hiểu hết được. Đặc biệt, khi con mình đánh bạn, nhiều người lớn cho rằng chuyện không quá lớn vì chỉ là hành động tự vệ, đáp trả. Từ đó, chuyện giữa trẻ con với nhau trở thành câu chuyện to tát, gây thù hằn giữa những người lớn với nhau.

Cha mẹ đừng tiếp tay cho trẻ con hình thành tính cách bạo lực

Chị Nguyễn Thị Hà Phương (32 tuổi) cho biết chị đã từng bối rối khi con trai 3 tuổi mình bị bạn đánh nhiều lần. Sau khi bé về kể lại mẹ, chị qua nhà hàng xóm nói chuyện về vấn đề này thì bị phụ huynh bạn con trách móc cho rằng con chị không biết cách tự vệ nên mới bị đánh. “Tôi rất ấm ức khi nói chuyện, họ chê con tôi là nam nhi mà yếu đuối, khuyên tôi phải về dạy lại con mình”, chị kể.

Câu hỏi đặt ra là liệu đánh lại bạn có phải là cách tự vệ chính đáng hay chỉ làm mọi vấn đề trở nên trầm trọng. Về lâu dài, phụ huynh tập cho con giải quyết mọi tình huống bằng bạo lực.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng những mâu thuẫn giữa trẻ em với nhau là phản xã nhất thời chứ các con không hề “thù dai” như người lớn. Vậy nên không có gì lạ nếu hôm nay các con đánh nhau tơi tả nhưng hôm sau lại chơi với nhau như anh chị em thân thiết.

Tuy nhiên, nếu bố mẹ can thiệp, xúi con trẻ đánh nhau, dùng bạo lực giải quyết vấn đề chỉ vì mình thấy “bức xúc, ngứa mắt” thì vô tình đẩy câu chuyện theo hướng xấu đi và khuyến khích con mình những lần sau sẽ chủ động đánh bạn, bắt nạt bạn trước.

Phụ huynh nên đứng ra giảng hòa cho các con chứ không "đổ thêm dầu vào lửa"

Đặc biệt, đối với những mâu thuẫn với bạn học, phụ huynh nên đứng ra giảng hòa, khuyên con nhìn vào những mặt tốt của bạn hơn là đánh bạn để giải quyết mọi chuyện. Nếu phụ huynh không bình tĩnh, xúi giục con làm điều không tốt, đứa trẻ sẽ bị ám ảnh, in hằn sự thù ghét bạn bè, từ đó có thể trở thành đứa trẻ hay gây sự, hư hỏng trong mắt bạn bè, thầy cô.

Theo các chuyên gia, để tự vệ không nhất thiết các mẹ phải dạy con đánh lại bạn cho bõ ghét. Khi trẻ bị bạn đánh, có thể nhờ bạn bè, người lớn như thầy cô can thiệp.

Sâu xa hơn, phụ huynh nên dạy con không bị bạn ghét, phòng ngừa mâu thuẫn từ đầu bằng cách không nói xấu, gây sự với bạn để bạn không bực tức, nổi nóng đánh mình.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU