Ảnh minh họa
1. Cho mình là trung tâm và coi thường mẹ
Từng có câu chuyện thế này: Một cô gái tốt nghiệp đại học, lấy chồng xa nhà. Sau khi con gái chào đời, vì bố mẹ chồng vẫn đi làm, ông bà ngoại lại ở xa nên chị phải nghỉ việc ở nhà chăm con, đồng thời hàng ngày bận rộn với rất nhiều công việc nhà.
Thực tế, khối lượng công việc của một "bà mẹ toàn thời gian" không hề nhỏ nhưng chẳng ai trong nhà hiểu cho chị. Mẹ chồng dường như lúc nào cũng bắt lỗi, hoặc là sàn nhà không sạch sẽ, thức ăn không ngon.
Ban đầu, người chồng còn nói vài câu dĩ hòa vi quý, nhưng lâu dần, ngay cả anh cũng không hiểu vợ nữa. Chị cho biết, bản thân đã làm việc chăm chỉ vì gia đình nhưng vẫn không nhận được bất kỳ sự tôn trọng nào. Đứa trẻ cũng cảm thấy mẹ thật vô dụng. Có lần vì món sườn kho thích ăn không có trong bữa tối, cô con gái đã ném đũa xuống bàn và lẩm bẩm rằng mẹ mình không thể làm được gì.
Người đàn ông tùy ý coi thường vợ mình, mối quan hệ méo mó giữa các thành viên trong gia đình như vậy chắc chắn sẽ không hạnh phúc. Trẻ cũng học theo bố mình, có thể ra lệnh cho mẹ và la mắng mẹ khi bất mãn.
Quan hệ vợ chồng tốt nhất là quan hệ tôn trọng nhau như khách, khi gặp vấn đề thì sẵn sàng bàn bạc, sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý hợp lý của đối phương. Như vậy sẽ tạo nên bầu không khí gia đình ấm êm, con cái sẽ trưởng thành thoải mái.
Trên con đường giáo dục con cái, một nửa còn lại chính là đồng đội, là đối tác quan trọng. Để dành chút thể diện cho nửa kia, ngay cả khi không hài lòng, hãy nói chuyện sau khi cánh cửa phòng của hai vợ chồng đóng lại.
2. Phớt lờ trách nhiệm gia đình, thiếu trách nhiệm
Gia đình là cái nôi cho sự trưởng thành của trẻ em, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm góp phần tạo nên sự hòa thuận, hạnh phúc. Xã hội này càng hiện đại, phụ nữ hiện nay cũng ra ngoài làm việc như nam giới.
Tuy nhiên, nhiều người đàn ông vẫn có tư tưởng bảo thủ "Việc nhà là của phụ nữ". Mặc dù cả hai vợ chồng cùng đi làm ngày 8 tiếng, nhưng khi về nhà, bố nằm dài xem TV hoặc nghịch điện thoại. Còn mẹ sau một ngày mệt nhoài vì công việc bên ngoài thì nay còn phải nấu nướng, dọn dẹp, giúp con cái học hành.
Đây thực sự là một tấm gương xấu cho con cái. Con gái nhìn vào sẽ nghĩ việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ và phái yếu phải biết hy sinh, cho đi nhiều hơn, còn nam giới chỉ bình thản yên tâm hưởng thành quả. Nếu người con trai nhìn thấy điều đó, trẻ sẽ nghĩ rằng một người đàn ông chỉ cần kiếm tiền, ngoài ra không phải làm bất cứ việc gì khác,để việc lớn nhỏ ở nhà cho vợ.
Những đứa trẻ như vậy sẽ rất khó hạnh phúc khi bước vào cuộc sống hôn nhân sau này. Chúng không biết cách quản lý các mối quan hệ thân thiết, không biết tôn trọng bản thân và người bạn đời.
Vì vậy, khi trẻ phớt lờ trách nhiệm gia đình, làm ngơ trước công việc nhà, các mối quan hệ trong gia đình, thậm chí làm ngơ trước công sức của cha mẹ thì đây là dấu hiệu cần phải cảnh giác, đặc biệt là người bố, nhất định phải xem lại hành động của mình.
Người mẹ chính là người dẫn dắt hành vi và tinh thần của đứa trẻ. Nếu "địa vị gia đình" của mẹ tương đối cao thì con cái cũng sẽ nhận được nhiều ảnh hưởng tích cực, con do mẹ nuôi dưỡng sẽ có triển vọng hơn trong tương lai và ngược lại.
Sự vận hành có trật tự của một gia đình đòi hỏi tất cả các thành viên phải cùng nhau hợp tác. Là trụ cột của gia đình, cha và mẹ phải âm thầm hỗ trợ lẫn nhau để gia đình hưng thịnh.
Có một điều đơn giản mà nhiều phụ nữ bỏ qua. Đó chính là phụ nữ chỉ có thể dành cho con mình tình yêu thương tốt nhất nếu bản thân họ, trước tiên, thỏa mãn được nhu cầu yêu thương chính mình. Chăm con không có nghĩa là từ bỏ nhu cầu của bản thân.
Buông bỏ công việc gia đình một cách phù hợp, chấp nhận sự không hoàn hảo và hãy để những thành viên trong gia đình quản lý công việc theo cách họ muốn. Dành không gian cho riêng bạn, sắp xếp đi làm đẹp, tiệc tùng, tập thể dục, du lịch, làm cho cuộc sống trở nên phong phú.