Con trai đạt 9,9 điểm nhưng chỉ xếp thứ 47, bà mẹ nghi ngờ bị trù dập, nghe lời giải thích mới thấy quá đúng

Những tưởng cậu con trai sẽ nằm trong top 10, bà mẹ đau lòng khi thấy kết quả con chỉ xếp thứ 47.

Đi ngủ sớm và dậy sớm vốn là lối sống lành mạnh, nhưng bây giờ trẻ con Tiểu học khó đi ngủ sớm trước khối lượng kiến thức quá lớn. Bởi bài tập của những đứa trẻ ngày càng nhiều, hết học chính khóa lại đến học thêm, học phụ đạo, lớp năng khiếu... Những tiết học sớm quá tuổi khiến học trò rơi vào vòng xoáy học hành căng thẳng.

Thời gian qua, cư dân mạng Trung Quốc truyền tay câu chuyện của bà mẹ có con đang học Tiểu học. Chị than phiền khi con trai đạt 9,9 điểm môn Toán cuối kỳ, những tưởng sẽ đạt vị trí cao. Nhưng khi bà mẹ này soi kết quả thì lại thấy con mình chỉ ở vị trí 47/52 em học sinh - một thành tích khó có thể chấp nhận.

Ảnh minh họa

Tất nhiên bà mẹ này không thể bỏ qua chuyện này. Chị đã nghi ngờ giáo viên có ý định trù dập con mình nên mới để cậu nhóc có thứ hạng thấp đến vậy.

Tuy nhiên, đến khi giáo viên giải thích chị mới vỡ lẽ: Trước cậu con trai có đến 46 học sinh đạt 10 điểm Toán. Như vậy chỉ vì thiếu 0,1 điểm mà con chị đã bị tụt xuống thứ hạng 47 - một bảng thành tích vừa trớ trêu lại nghiệt ngã.

Thế mới thấy, học trò thời nay đã thông minh cỡ nào. Với sự phát triển của xã hội và châm ngôn "không để con thua ở vạch xuất phát", rất nhiều phụ huynh Trung Quốc đã đưa con đi học thêm sớm. Điều này dẫn đến những bài tập cơ bản Tiểu học đứa trẻ nào cũng làm rành. Thứ hạng của học sinh chỉ dần được sáng tỏ khi chúng lên cấp 2, đối diện với những dạng Toán cần tư duy và sự chăm chỉ nhiều hơn.

Vì còn nhỏ nên trẻ em Tiểu học cũng cần mức độ học vừa phải (Ảnh minh họa)

Ở những vùng nông thôn, điều mong mỏi lớn nhất của cha mẹ là con vào được đại học danh tiếng, mở ra con đường công danh sau này. Cha mẹ mong con thành tài là điều dễ hiểu, nhưng việc bắt con học hành quá sớm lại vô tình làm tuổi thơ của con ngắn lại.

Cha mẹ cần biết rằng, nếu ép con học hành quá nhiều ngay từ khi còn nhỏ, có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý sau:

1. Tạo ra tâm lý phản nghịch, cãi lời cha mẹ

Dĩ nhiên hồi nhỏ, trẻ em nào cũng sẽ nghe lời cha mẹ. Nhưng không vì thế mà phụ huynh được cho mình quyền nói gì con phải nghe nấy, bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nếu phải miễn cưỡng làm những điều trẻ không thích, về lâu dài sẽ khiến trẻ trở nên thụ động, nảy sinh tâm lý phản nghịch, không còn nghe lời gia đình.

2. Ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

Ai cũng biết học hành để giúp con cái thành tài, nhưng bất cứ công việc nào cũng cần sự cân bằng để đảm bảo sức khỏe. Nếu một ngày có đến 3 ca học kéo dài từ 7h đến 10h đêm thì không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng khó lòng trụ được. Hãy nhớ rằng, việc học nên giữ ở mức cân bằng và giảm được chừng nào hay chừng đó đối với trẻ Tiểu học.

3. Đánh mất đi tuổi thơ và sự sáng tạo trong trẻ

Ít cha mẹ nào nhận ra, tuổi thơ có vị trí quan trọng trong thời thơ ấu của trẻ. Những kỷ niệm khi còn nhỏ sẽ định hình tính cách, quyết định đứa trẻ đó có sống vui vẻ hay không. Vậy nên cha mẹ hãy quan tâm và lắng nghe tâm tư của trẻ nhiều hơn, để con nhận ra việc học cũng vui vẻ như biết bao hoạt động khác.

Nguồn: QQ

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU