Ông Võ Hoàng Yên chữa vận động cho nhà văn Sơn Tùng như thế nào?
Sáng 9/3, tại nhà riêng của gia đình ở ngõ Văn Chương, ông Bùi Sơn Định (con trai nhà văn Sơn Tùng) đã có trao đổi với phóng viên xung quanh việc nhà văn Sơn Tùng từng được "lương y" Võ Hoàng Yên chữa một lần vào năm 2011, tại chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội).
"Nhà văn Sơn Tùng chỉ được ông Võ Hoàng Yên chữa vận động do tai biến chứ không phải chữa bệnh", ông Định khẳng định.
PV: Ông có thể chia sẻ kỹ lại việc nhà văn Sơn Tùng được ông Võ Hoàng Yên chữa vận động vào thời điểm cách đây 10 năm như thế nào?
Ông Bùi Sơn Định: Vào tháng 6/2010, cha tôi khi đó 83 tuổi, do ảnh hưởng của vết thương chiến tranh dẫn đến huyết áp tăng gây xuất huyết não, bị liệt phần tay trái, chân trái và cột sống bị vẹo về bên trái, không thể ngồi thẳng được, nói ngọng, không tròn tiếng.
Năm 2011, một người bạn nói biết ông Võ Hoàng Yên có khả năng chữa xương khớp, câm điếc, bệnh nhân khó nói, nói ngọng do di chứng bị tai biến và đang ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) nên đã giới thiệu, dùng xe ô tô đưa cha tôi đến đề nghị giúp đỡ chữa.
Do cha tôi yếu nên tôi và mẹ phải cùng người bạn đưa ông đến chùa. Khi chúng tôi đến, có rất đông người bệnh, trong đó nhiều trường hợp trẻ em đứng "vòng trong, vòng ngoài" xếp hàng, chờ đợi được ông Yên thăm khám, chữa.
Ông Võ Hoàng Yên và nhà văn Sơn Tùng.
Vì người bạn giới thiệu trước khi gia đình tôi đến nên ông Yên ra ngoài đón và cho biết, có đọc cuốn sách Búp sen xanh (của nhà văn Sơn Tùng - PV), đồng thời "ưu tiên" đưa cụ vào chữa trước.
Trước khi vào chữa, tôi có trình bày về tình trạng sức khoẻ của cụ là thương binh nặng, do ảnh hưởng vết thương dẫn đến tăng huyết áp, gây tai biến, làm liệt bên trái, khó nói...
Xem xét tình trạng của ông cụ xong, ông Yên bày tỏ sự trân trọng nhà văn Sơn Tùng và muốn chữa cho cụ, để cụ có thể tiếp tục quay trở lại viết sách.
Tuy nhiên, ông Yên chia sẻ không phải chữa tai biến mà chữa vận động cho những người bị tai biến, nhưng phải tuỳ từng người, từng giai đoạn nhất định.
Với trẻ em dưới 10 tuổi và người già trên 70 tuổi, ông Yên nói sẽ khó chữa do sức chịu đựng có hạn, dễ dẫn đến các hệ luỵ khác, còn bị bẩm sinh rất khó chữa.
Đối với nhà văn Sơn Tùng, ông Yên nói chỉ tiếc do cụ cao tuổi quá lại bị thương nặng nên nếu chữa tay, chân, nắn lại như bình thường thì rất đau, sức chịu đựng của người già không có, dễ dẫn đến huyết áp cao, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sau đó, ông Yên trao đổi và gia đình đồng ý chữa hai thứ cho cụ là nắn cột sống cho thẳng để ngồi được cùng vấn đề nói ngọng, không tròn chữ do ảnh hưởng của tai biến.
Lúc đó, tôi nhớ ông cụ được cho ngồi trên ghế dài, hai chân để hai bên, lưng vặn về một bên và ông Yên chỉ rõ cho mọi người xem.
Tiếp đó, ông Võ Hoàng Yên xoa một chút dầu lên và dùng tay chém một phát rất mạnh vào sống lưng cụ. Ngay sau khi ông Yên buông tay đỡ cụ ra, tôi thấy cột sống lưng cha thẳng lại, không bị vẹo như trước và ngồi thẳng được một mình.
Chỗ ông Yên chém ở cột sống lưng sau về bị sưng to lên, đến một tuần sau mới hết nhưng cụ không hề kêu đau.
Về di chứng nói ngọng, không tròn tiếng do tai biến của cha tôi, ông Yên đưa tay vào miệng, dùng khăn cầm lưỡi rút mạnh ra. Ngay thời điểm đó, do đau quá cụ đã mắng một câu nặng lời.
Đó cũng là lần đầu tiên nhà văn Sơn Tùng nói nặng lời như vậy và khi ấy mọi người cùng cười, vỗ tay.
Ông Yên chữa cho cụ hai thứ đó. Đây chỉ là chữa về vận động do tai biến khiến các phần này bị co quắp lại chứ không phải chữa bệnh, thương tật.
Sau khi ông Võ Hoàng Yên chữa, gia đình có cho cụ đến cơ sở y tế nào kiểm tra lại các bộ phận này không và kết quả của việc chữa này kéo dài được bao lâu?
Ông Bùi Sơn Định: Khi đó, gia đình không cho cụ đi kiểm tra lại. Bởi đây không phải chuyển biến liên quan đến bệnh mà chỉ là chữa về vận động.
Sau khi ông Yên chữa, có dặn về tiếp tục cho cụ tập ngồi và tôi có làm theo nên sau vài ba năm cụ vẫn ngồi thẳng được.
Tuy nhiên, về sau này, do sức khoẻ yếu và cụ phải trích dạ dày để mở ống xông thức ăn, bàng quang bị thủng phải đặt ống dẫn, việc tập ngồi cũng khó thực hiện nên cụ chỉ có thể nằm, ngồi ở ghế tựa.
Ông Bùi Sơn Định bên cạnh người cha - nhà văn Sơn Tùng.
Với giọng nói, cụ vẫn có thể nói bình thường, rõ nhưng chỉ nói từng chữ. Vài tháng trở lại đây, do sức khoẻ yếu, cụ nằm lâu phổi bị xẹp cũng như phần cổ đã phải trích một lỗ nhỏ, không còn răng nên nói rất khó khăn, không ra hơi.
Cũng phải nói rõ, thời điểm đó, ông Yên chữa cho cụ được hai thứ trên cũng đã là tốt rồi, có hiệu quả nhất định và đúng yêu cầu của gia đình.
Ông Võ Hoàng Yên chỉ chữa cho nhà văn Sơn Tùng 1 lần
Vì sao gia đình không đưa nhà văn Sơn Tùng tiếp tục đến chữa ông Võ Hoàng Yên?
Ông Bùi Sơn Định: Thời điểm đó, ông Yên có nói nhà văn tuổi cao, sức chịu đựng không có và việc vặn tay rất đau, sợ huyết áp tăng lên sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng nên không dám chữa nữa.
Gia đình cũng thấy kết quả như vậy là được rồi. Người cụ còn rất nhiều mảnh đạn nằm lại ở các bộ phận, sức cũng không thể chịu được nếu bị vặn tay, chân như những trường hợp đã chứng kiến. Do vậy chỉ chữa duy nhất 1 lần, không tiếp tục nữa.
Thời điểm chữa cho nhà văn Sơn Tùng, theo thông tin ông biết thì vị "lương y" này có giấy tờ cho phép khám chữa bệnh hay không?
Ông Bùi Sơn Định: Lúc đó, theo người bạn đưa đi và mọi người nói thì ông Yên không có giấy tờ gì cho phép khám chữa bệnh, việc chữa này chỉ thực hiện ở chùa, không lấy tiền.
Chính ông Yên cũng nói về việc trước đây gia đình nghèo, đi ở trong chùa nên được truyền lại cho cách chữa này, nhưng đã bị phạt nhiều lần vì chưa có giấy tờ.
Ông có trao đổi việc chữa miễn phí cho người nghèo, không lấy tiền của ai bởi đã có nhiều ha đất trồng cao su rồi nên không thiếu tiền.
Ngoài ra, ông cũng muốn chữa cho mọi người để sau này được cơ quan chức năng công nhận, từ đó, có thể tiếp tục chữa cho người nghèo, nhất là những người bị di chứng tai biến.
Bản thân tôi thấy, cách đây 10 năm để nhìn nhận việc ông Yên chỉ ăn chay, chữa bệnh miễn phí cho người dân nghèo với kết quả đạt được cũng có hiệu quả thì rất tốt, không có gì chê trách.
Tuy nhiên, sau 10 năm, tôi không có dịp theo dõi, gặp lại nên để nói ông Yên bây giờ so với ông Yên khi chữa bệnh cho nhà văn Sơn Tùng thế nào thì rất khó đánh giá, nhận định.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh năm 1928 tại Nghệ An.
Ông là nhà văn có nhiều tác phẩm viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Búp sen xanh viết về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong cuộc đời cầm bút, nhà văn Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học, trong đó có 13 tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 2011, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ông đồng thời là thương binh nặng hạng 1/4.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/con-trai-nha-van-son-tung-ong-vo-hoang-yen-chi-chua-van-dong-cho-cha-toi-chu-khong-phai-chua-benh-8202193163649675.htm
Theo ttvn.vn