Covid-19: Bài học từ hai bức tranh đối nghịch

Khả năng phòng dịch tốt cùng tốc độ tiêm chủng hàng đầu châu Á giúp Singapore đứng đầu bảng xếp hạng của Bloomberg về khả năng phục hồi hậu Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tình hình tại Ấn Độ hiện nay là do một "cơn bão hoàn hảo" bắt nguồn từ việc tụ tập đông người, tỉ lệ tiêm chủng thấp và sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Thảm kịch từ sự lơ là

Theo WHO, biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Singapore... WHO xếp B.1.617 vào nhóm "biến thể cần quan tâm" nhưng không xác nhận đây là "biến thể gây lo ngại". WHO cũng thừa nhận các dữ liệu sơ bộ cho thấy B.1.617 có tốc độ phát triển cao hơn so với các biến thể đang hiện diện ở Ấn Độ và có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Tuy nhiên, người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic hôm 27-4 cảnh báo không nên chỉ đổ lỗi cho các biến chủng mới. Ông Jasarevic cho rằng sự tự mãn của Ấn Độ cũng "góp phần" quan trọng tạo nên "cơn sóng thần" Covid-19 đang càn quét.

Đông Nam Á cũng đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của Covid-19, đặc biệt là tại những quốc gia đã từng thành công trong cuộc chiến chống dịch hồi năm 2020. Đặc biệt, giới chuyên gia y tế cảnh báo Philippines có thể lâm vào tình cảnh như Ấn Độ khi số ca nhiễm toàn quốc vượt mốc 1 triệu người.

Theo tờ South China Morning Post, TS Rodrigo Ong thuộc Tổ chức nghiên cứu OCTA, chuyên dự báo về sự lây lan của Covid-19, đánh giá Philippines đang ở "cùng giao điểm" khoảng 10.000 ca nhiễm mỗi ngày giống Ấn Độ từng ghi nhận - thời điểm nhà chức trách Ấn Độ quyết định dỡ bỏ biện pháp hạn chế vì cho rằng đã kiểm soát được dịch.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị bên ngoài phòng cấp cứu của một bệnh viện quá tải ở TP Quezon - Philippines hôm 26-4 Ảnh: REUTERS

Chuyên gia này cho biết tình hình ở Philippines hiện ở trạng thái "cân bằng mong manh", với hơn 80% giường bệnh của cả nước hết chỗ. OCTA Research kêu gọi Philippines duy trì các biện pháp hạn chế nhằm giảm tỉ lệ ca nhiễm mới, từ đó giảm áp lực cho các bệnh viện.

Tại Campuchia, người phát ngôn Bộ Tư pháp Kim Santepheap nhấn mạnh lệnh phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và TP Takhmao có thể kéo dài nếu người dân không hợp tác. Song song đó, Thủ tướng Hun Sen ra lệnh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho tất cả người dân ở Phnom Penh và tỉnh Kandal, dự kiến bắt đầu từ ngày 5-5.

Nhằm siết chặt biện pháp phòng dịch, Thái Lan bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài ở 63 trong tổng số 77 tỉnh và ra lệnh giới nghiêm ở 8 tỉnh. Theo Bangkok Post, người vi phạm quy định đeo khẩu trang có thể bị phạt lên đến 20.000 baht.

Những tín hiệu tích cực

Khả năng phòng chống dịch tốt cùng tốc độ tiêm chủng hàng đầu châu Á đã giúp Singapore vượt qua New Zealand, trở thành quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng khả năng phục hồi thời hậu Covid-19 trong tháng 4 của hãng tin Bloomberg.

Nhờ kiểm soát biên giới chặt chẽ kết hợp với chương trình cách ly nghiêm ngặt, Singapore hiện gần như không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong khi gần 20% dân số "đảo quốc sư tử" đã được tiêm vắc-xin.

Mỹ leo thêm 4 bậc để lên vị trí thứ 17 của bảng xếp hạng trên trong tháng này, khi chương trình tiêm chủng của họ góp phần kéo giảm đáng kể số ca nhiễm và tử vong, đặc biệt là ở nhóm dân số già - hơn 50% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, tính đến ngày 27-4. Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden khẳng định cuộc chiến chống Covid-19 của Mỹ đã đạt được một bước tiến "đáng kinh ngạc" nhờ nỗ lực của toàn dân.

Người dân chụp ảnh tại Quảng trường Thời Đại, TP New York - Mỹ sau khi CDC công bố hướng dẫn chống dịch mới vào ngày 27-4 Ảnh: REUTERS

Ông chủ Nhà Trắng sử dụng 100 ngày đầu nắm quyền để kêu gọi người dân Mỹ đeo khẩu trang và ở nhà nhằm ngăn chặn virus lây lan. Nhiệm vụ trong 100 ngày tiếp theo của ông là đề ra lộ trình để đưa quốc gia trở lại trạng thái bình thường.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa thực hiện bước đi đầu tiên trong lộ trình này khi công bố hướng dẫn chống dịch mới, khẳng định những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể ăn uống, đi dạo hoặc tham gia các cuộc tụ tập nhỏ ngoài trời mà không cần đeo khẩu trang. Với những sự kiện đông đúc ngoài trời, như hòa nhạc hay diễu hành, CDC nhấn mạnh khẩu trang vẫn cần thiết, kể cả với người đã được tiêm chủng đầy đủ.

 

Israel thậm chí đi thêm một bước khi Bộ trưởng Du lịch Orit Farkash-Hacohen hôm 27-4 công bố kế hoạch tái mở cửa đất nước trở lại kể từ tháng 5 đối với những "tín đồ du lịch" đến từ những nước đã tiêm phòng đầy đủ. Theo báo Times of Israel, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Israel đã giảm mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công, với hơn 5 triệu trong tổng số 9 triệu công dân nước này được tiêm phòng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Phụ trách ứng phó Covid-19 New Zealand Chris Hipkins thông báo kể từ 12 giờ (giờ địa phương) ngày 28-4, nước này mở lại hoạt động bay mà không cần cách ly với bang Tây Úc của Úc.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo hãng tin Bloomberg, bài học được rút ra trong tháng 4 là tiêm vắc-xin rất quan trọng nhưng chỉ vắc-xin thôi là chưa đủ để chấm dứt đại dịch. Pháp và Chile, hai quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao, tụt hạng trong bảng xếp hạng khả năng phục hồi thời hậu Covid-19 tháng này do số ca nhiễm mới tăng mạnh bởi các biến thể virus SARS-CoV-2.

Do đó, để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, Việt Nam cần đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện sớm ca nghi nhiễm, từ đó khoanh vùng, cách ly kịp thời, song song với việc duy trì các biện pháp giãn cách xã hội. Thông qua các biện pháp này, Việt Nam có thể phân loại trường hợp cần chăm sóc y tế, điều trị tích cực nhằm bảo đảm nguồn lực tránh kịch bản quá tải cho các bệnh viện. Trước nguy cơ từ các nước giáp biên giới, công tác ngăn chặn người nhập cảnh trái phép đóng vai trò rất quan trọng.

Link gốc: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-bai-hoc-tu-hai-buc-tranh-doi-nghich-20210428220628127.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU