Bác sĩ khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe sau cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng kích thích vật vã, da tím tái kèm theo thở khó, các cơ hô hấp co kéo, nghe phổi thấy thông khí kém, có nhiều rales ẩm, rales rít cả 2 bên.
Được biết, mấy ngày nay, bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém nên gia đình đã tự truyền dịch vitaplex cho bệnh nhân. Sau 20 phút truyền dịch, bệnh nhân thấy xuất hiện tức ngực, khó thở và được người nhà đưa đi cấp cứu.
Nhận định bệnh nhân đang trong tình trạng sốc phản vệ mức độ nguy kịch và có nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức các y, bác sĩ tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, chỉ 2 phút sau khi nhập viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tim. Các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt báo động đỏ, xử trí cấp cứu ngừng tuần hoàn, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng và sốc điện cho bệnh nhân, tiêm adrenaline tĩnh mạch.
Sau 10 phút cấp cứu tích cực, bệnh nhân có nhịp tim trở lại, các chỉ số sinh tồn dần ổn định, nhưng chưa tự thở được và tiếp tục cho hỗ trợ thở máy. Sau 48h thở máy, điều chỉnh các rối loạn nước, điện giải, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm và chăm sóc toàn diện, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Hiện tại, sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh, tự thở tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tiên lượng ra viện trong vài ngày tới.
Theo các bác sĩ, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có khả năng đe doạ tính mạng trong vòng vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất dị nguyên. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị. Bệnh xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc, thử test...
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nếu sử dụng thuốc tiêm - truyền nên đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo dõi và xử lý phản vệ; sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, theo đúng chỉ định của bác sĩ; không tự ý mua và sử dụng thuốc, tiêm truyền thuốc tại nhà.