Cử tri tỉnh Hà Giang đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét quy định hoạt động 'dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện'. (Ảnh minh hoạ: Chí Hiếu)
Trả lời kiến nghị, Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực của học sinh, phụ huynh nhằm đáp ứng mong muốn nâng cao tri thức, phát triển năng khiếu cá nhân.
"Nếu thực hiện đúng nhu cầu thực tế của học sinh, phụ huynh thì đây là cách huy động sự tham gia của gia đình vào giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục", văn bản nêu rõ.
Năm 2012, Bộ trưởng GD&ĐT khi ấy ký ban hành Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm. Đến năm 2016, Luật Đầu tư sửa đổi đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quy định này khiến một số điều kiện cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17 không còn phù hợp.
Do vậy, đến năm 2019, Bộ GD&ĐT quyết định công bố hết hiệu lực các quy định liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; yêu cầu với người dạy thêm và người tổ chức dạy thêm, học thêm; quy định về cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm; các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm...
Còn lại các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, đặc biệt các quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm và trách nhiệm của các cấp quản lý, cá nhân về hoạt động dạy thêm, học thêm.
Trên thực tế, trong thời gian qua nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư 17 đã ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương hiệu quả, phù hợp vói tình hình thực tiễn của địa phương.
Bộ GD&ĐT đang dự thảo thông tư thay thế Thông tư 17, xin ý kiến rộng rãi. "Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện", Bộ trưởng GD&ĐT nêu.