Cuba sẽ cung cấp và chuyển giao công nghệ vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam

Cuba sẽ cung ứng số lượng lớn vaccine COVID-19 có tên Abdala và sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam.

Cuba sẽ cung cấp 10 triệu liều vaccine Abdala cho Việt Nam

Cuba sẽ nỗ lực, sớm cung cấp 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Abdala cho Việt Nam từ nay đến cuối năm 2021. Đây là khẳng định của Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào tối 23/8.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel (Nguồn:baochinhphu.vn)

Đồng thời, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel khẳng định, Cuba sẵn sàng cử ngay các chuyên gia sang Việt Nam để trực tiếp chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Abdala do nước này tự nghiên cứu và phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kinh nghiệm của Cuba trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và nhấn mạnh, hợp tác hiệu quả giữa hai nước về vaccine phòng COVID-19 sẽ thể hiện sống động tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước trong tình hình hiện nay.

Về năng lực sản xuất vaccine Abdala, Cuba có thể sản xuất khoảng 100 triệu liều/năm và Cuba chỉ sử dụng khoảng 30 triệu liều cho thị trường trong nước.

Vaccine Abdala có hiệu quả hơn 92% trong phòng COVID-19

Vaccine Abdala là sản phẩm nghiên cứu và phát triển của Tập đoàn Công nghệ sinh học và Dược phẩm Cuba (BioCubaFarma).

Vaccine này đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 thử nghiệm trên 123 người, giai đoạn 2 thử nghiệm trên 660 người và giai đoạn 3 trên 48.000 người có độ tuổi từ 19-80 tuổi.

Các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vaccine Abdala có độ an toàn cao, độ miễn dịch tốt và có khả năng ngăn chặn được các loại biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tìm thấy ở châu Phi và Brazil.

Vaccine Abdala do Cuba nghiên cứu và phát triển đã thu được kết quả khả quan trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, đạt hiệu quả hơn 92% (Nguồn: Reuters)

Theo thông báo của BioCubaFarma đưa ra ngày 21/6, vaccine Abdala cho hiệu quả lên đến 92,28%% trước mọi biến thể trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Ngày 9/7, Cuba chính thức cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Abdala trong phòng COVID-19.

Vaccine sẽ được tiêm 3 mũi, khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 14 ngày. Có thể bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2-8 độ C.

Nguồn gốc tên gọi của vaccine Abdala

Tên của vaccine Abdala này được đặt theo tên một vở kịch thơ nổi tiếng của người anh hùng dân tộc José Martí của Cuba. Trong vở kịch thơ đó, nhân vật chính - người anh hùng trẻ tuổi Abdala - đã kiên cường, dũng cảm bảo vệ tổ quốc dù phải đối mặt với kẻ thù hung bạo thế nào.

Với rất nhiều người dân Cuba, đó là cái tên thích hợp cho loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phát triển tại châu Mỹ Latinh. Đồng thời thể hiện cho ý chí của quốc đảo nhỏ với 11 triệu dân quyết tâm chống virus SARS-CoV-2.

Một trong những nhà khoa học đóng góp công lao đáng kể nhất cho công cuộc phát triển vaccine COVID-19 của Cuba là ông Gerardo Guillén Nieto, 58 tuổi, Giám đốc phụ trách nghiên cứu y sinh tại Trung tâm Công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền (CIGB) tại Havana. Đây cũng chính là nơi đã phát triển thành công vaccine Abdala.

Trung tâm Công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền (CIGB) tại Havana

"Chúng tôi đã làm việc toàn thời gian kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, mỗi thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, không một giây phút nghỉ ngơi", ông Gerardo Guillén Nieto chia sẻ về công việc trong chương trình phát sóng đặc biệt nhân Ngày của cha năm nay (20/6) trên Đài truyền hình quốc gia Cuba.

"Chúng tôi đã rất nhẹ nhõm vì kết quả thu được đã vượt quá mong đợi. Chúng tôi biết vaccine này rất tốt, nhưng tôi cũng không dám kỳ vọng đạt được kết quả như vậy", ông nói.

Công nghệ bào chế vaccine Abdala

Vaccine Abdala được Cuba nghiên cứu và phát triển dựa trên công nghệ vaccine protein tái tổ hợp, hoạt động trên nguyên lý tái tạo các gai (spike) trên bề mặt virus SARS-CoV-2 (vốn là phần virus bám vào tế bào người) và đưa vào cơ thể, "huấn luyện" hệ miễn dịch con người nhận ra mầm bệnh này và có khả năng sinh kháng thể ngăn chặn khi phơi nhiễm virus trong thực tế.

Các vaccine theo công nghệ tái tổ hợp không cần bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh như vaccine công nghệ mRNA của các Hãng Pfizer-BioNTech và Moderna.

Giới chức Cuba cho biết họ đang phát triển các loại huyết thanh giá rẻ và dễ bảo quản để có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng trong nhiều tuần và lưu trữ dài hạn được ngay cả trong điều kiện nhiệt độ cao tới 46,4 độ C.

Những ưu điểm đó khiến vaccine COVID-19 của Cuba có tiềm năng trở thành lựa chọn được ưa chuộng hơn tại các nước nhiệt đới và có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Cuba cấp phép khẩn cấp 2 loại vaccine nội địa

Ngày 20/8, Trung tâm Quản lý Thuốc, Máy móc và Thiết bị Y tế Cuba (CECMED) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 2 loại vaccine nội ngừa COVID-19 mang tên Soberana 02 và Soberana Plus do viện Vaccine Finlay (IFV) bào chế. Đây là hai loại vaccine được sử dụng kết hợp để ngăn ngừa biến chủng và đã được chứng minh đạt hiệu quả 91,2% trong các thử nghiệm lâm sàng.

Vắc xin COVID-19 Soberana của Cuba (Nguồn: Reuters)

Trong thông báo đăng tải trên mạng Twitter, IFV cho biết hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau khi CECMED kết thúc quá trình đánh giá nghiêm ngặt hồ sơ được trình lên và tiến hành kiểm tra quy trình sản xuất. Cơ quan kiểm định y tế của Cuba xác nhận hai loại vaccine trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nghiên cứu lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng và những minh chứng về hiệu quả đạt được.

Hiện tại, hai vaccine Soberana 02 và Soberana Plus của IFV cũng đang được đưa vào thử nghiệm lâm sàng cho trẻ em từ 3 - 18 tuổi tại Cuba, trong đó có 350 tình nguyện viên đến từ thủ đô La Habana.

Riêng với vaccine Soberana Plus, Bộ Y tế Cuba còn đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I để đánh giá tính an toàn, khả năng phản ứng và khả năng sinh miễn dịch ở những người có tiền sử nhiễm COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình và bệnh nhân không có triệu chứng. Kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy Soberana Plus có khả năng tạo ra hiệu quả kháng thể trung hòa cao ở bệnh nhân điều trị. Trong khi đó, vaccine Soberana 02 được xác nhận có hiệu quả 65,7% nếu tiêm đủ 2 mũi.

Như vậy, cùng với Abdala - vaccine nội đầu tiên được CECMED cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 9/7, Soberana 02 và Soberana Plus đã trở thành những vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được phát triển ở Cuba và Mỹ Latinh. Ngoài ra, đảo quốc Caribe này vẫn đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm lâm sàng 2 loại vaccine ngừa COVID-19 khác là Soberana 01 và Mambisa (sử dụng qua đường mũi).

 

Link gốc: https://vtv.vn/the-gioi/cuba-se-cung-cap-va-chuyen-giao-cong-nghe-vaccine-phong-covid-19-cho-viet-nam-20210824122350552.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU