Với mỗi người phụ nữ, 9 tháng mang nặng đẻ đau một đứa bé đã là một điều vất vả rồi, thử hỏi, nếu rơi vào trường hợp mang đa thai lên tới 7 người con của cô Bobbi McCaughey này thì không biết phải dùng từ não để diễn tả nữa.
Cuộc giống của gia đình nhỏ Bobbi và Kenny McCaughey ở Des Moines, bang Iowa, Mỹ vốn rất êm đềm hạnh phúc.
Họ cũng muốn có con như những người khác thế nhưng từ lúc sinh ra, Bobbi đã gặp phải vấn đề về sức khỏe khiến hormone của cô hoạt động yếu hơn bình thường nên việc có con cũng khá là khó.
Tuy nhiên, cố gắng của họ cũng được đền đáp với sự ra đời của bé Mikayla.
Hai vợ chồng Kenny và Bobbi McCaughey.
Sau hạ sinh con đầu lòng vào 3/1/1996, đôi vợ chồng trẻ vẫn muốn có thêm con để Mikayla "có chị có em", đó là lúc họ tìm đến sự trợ giúp của y học một lần nữa.
Các bác sĩ đã cảnh báo Bobbi rằng rất có khả năng cô sẽ mang "đa thai", đáp lại với sự tự tin rằng cơ thể sẵn sàng để chào đón thêm 2 đứa trẻ nữa, thế nhưng lúc đó cô đâu có biết mình sẽ mang một bào thai siêu khổng lồ.
Nhận tin "sét đánh ngang tai"
Kenny vẫn nhớ ngày anh gọi cho vợ hỏi thăm tình hình siêu âm thai. Qua điện thoại, anh thấy giọng vợ khác hơn bình thường, anh gặng hỏi thì nhận được câu trả lời là "7".
Từ khoảnh khắc đó, điều duy nhất mà vợ chồng trẻ nghĩ tới là làm sao có thể nuôi hết bằng đấy đứa trẻ và đáp ứng đủ nhu cầu cho con.
Bobbi nói sẽ nhớ mãi ngày lịch sử hôm cô biết mình mang thai 7, "Nó giống như Woohoo! Lúc đó, tôi nghi ngờ nhiều thứ lắm".
Các bác sĩ chẳng biết xử lý như thế nào, chỉ luôn khuyên bà mẹ nên áp dụng phương pháp giảm thiểu có chọn lọc, giảm thiểu đi một số bào thai để trao lại cơ hội sống sót cho anh chị em còn lại và để đảm bảo sức khỏe cho mẹ.
Theo ước tính của các chuyên gia, ngay cả khi phụ nữ mang thai ba, khả năng sinh con ra khỏe mạnh (không gặp các vấn đề về thần kinh hoặc sinh lý) chỉ là 50%. Trong đó gần một nửa số ca mang đa thai đều bị sảy.
Theo dõi quá trình mang thai của Bobbi, những chuyên gia đều bị thuyết phục là sẽ có chuyện tồi tệ xảy ra, nhất là lúc đến gần giai đoạn quan trọng.
Thế nhưng, mọi thứ đều ổn, dù lúc đó, bụng của bà bầu chỉ nặng có 7kg và với bản năng cùng thiên chức của người mẹ, cô phản đối ý kiến đó và quyết định sẽ đi tiếp cùng các con, cô sẽ không bỏ đứa nào cả.
Kiên cường chiến đấu cùng các con
Đứng trước sự quyết tâm, dũng cảm của người mẹ và gia đình, các bác sĩ chẳng thể khuyên ngăn gì hơn ngoài việc nỗ lực theo dõi và cung cấp dịch vụ y tế đầy đủ nhất có thể cho bà mẹ.
Thế rồi ngày lâm bồn cũng đến, 40 chuyên gia và bác sĩ trong phòng sinh gồm: bác sĩ nội soi, bác sĩ sơ sinh, nhà trị liệu hô hấp, y tá và bác sĩ gây mê cùng Bobbi "chiến đấu" tại trung tâm y tế ở Iowa.
Với tất cả sự may mắn, kiên cường và dũng cảm, cô Bobbi đã vượt cạn thành công với 7 thiên thần. Ca sinh kết thúc bằng sự thành công mĩ mãn, 7 đứa trẻ gồm 4 trai 3 gái ra đời vào ngày 19/11/1997, sớm 9 tuần so với dự kiến.
Thật không may rằng 2 trong số 7 em bé mắc phải chứng bại não ngay lúc mới sinh. Vì là sinh mổ lấy con nên đám trẻ phải ở trong bệnh viện 2 tháng mới được về nhà.
Hai vợ chồng nhà McCaugheys tại họp báo 2 ngày sau ca sinh đa thai kỷ lục thế giới vào thời điểm đó.
7 thiên thần, 4 trai, 3 gái nhà McCaugheys.
Trời sinh voi ắt sẽ sinh cỏ!
Sau khi về nhà, hai vợ chồng không những phải đau đầu chuyện chăm con mà còn mệt mỏi với sự chú ý của mọi người.
Cứ 10 bức thư gia đình nhận được thì có ít nhất 1 bức trong đó người viết thể hiện sự phán xét họ, buộc tội họ bóc lột trẻ em và lãng phí tài nguyên của thế giới chỉ trong 1 gia đình.
Nuôi 1 đứa con đã tốn, nhà Bobbi nuôi tới 8 đứa thì lại vô cùng tốn! Mỗi ngày, bọn trẻ cần 42 hộp thức ăn và 52 chiếc tã.
Một gia đình bình thường như thế lấy đâu ra tiền để chăm sóc con? Bobbie nói, lúc đầu người thân hai bên gia đình cũng giúp rất nhiều. Cô vẫn có thể nhờ một số người.
Tổng thống Mỹ George Bush gặp 2 chị em trong ca sinh 7 người kỷ lục tại sân bay Iowa vào năm 2002.
Giữa những lời đánh giá thì vẫn có những cánh tay chìa ra. Nhiều người đến nhà và xin nuôi con hộ hai vợ chồng.
Tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton đã chúc mừng gia đình.
Các tổ chức phi lợi nhuận đã giúp nhà McCaughey bằng cách tài trợ 2 năm dùng bỉm miễn phí, họ cung cấp rất nhiều thức ăn, một căn nhà lớn hơn và cam kết giáo dục miễn phí tại bất kì trường đại học nào tại bang Iowa.
Cuộc sống dần tốt hơn khi những đứa trẻ lớn lên
Trong những năm đầu đời, 7 đứa trẻ đã nhận được sự chăm sóc của những tình nguyện viên và người giữ trẻ. Sau một thời gian, khi không còn phải thay cả trăm cái bỉm một ngày nữa thì Bobbi đã bắt đầu làm việc bán thời gian trở lại.
Kenny McCaughey vẫn đi làm tại nhà máy chuyên sơn các công trình kim loại. Khi những đứa trẻ lớn hơn một chút nữa, chúng đã bắt đầu giúp mẹ: "Con gái giúp việc bếp núc. Bọn nhỏ thích nấu ăn - và hầu như đều ăn được!
Cha tụi nhỏ thực sự muốn cho các con trai biết rằng không thể cứ sống trên đời này mà chỉ đi nhận lại mãi được. Ngay cả khi chỉ là nhặt lá hay rửa ô tô, luôn có việc để bọn nhỏ có thể làm được".
Tủ lạnh lúc nào cũng có đủ thức ăn để phục vụ cho gia đình 10 người. Họ còn tận dụng mảnh đất sau nhà để trồng rau.
Đến năm bọn nhỏ lên 10 tuổi, mỗi tuần gia đình ăn hết khoảng 4 ổ bánh mì, 11 lít sữa và 6 gói ngũ cốc.
Bobbi cố gắng mua thức ăn từ trước để tiết kiệm chi phí. Giờ đây "gia đình nhỏ" có 2 chiếc lò nướng, 2 lò vi sóng, 2 máy rửa chén, 2 máy giặt và máy sấy, khoảng đất sau nhà họ tận dụng để trồng rau.
Sau 20 năm, những đứa trẻ ngày ấy, giờ ra sao?
Bọn trẻ cứ thế lớn lên trong sự dạy bảo chu đáo của bố mẹ, rất chăm chỉ làm việc. Tất cả đều khá giỏi ở trường và đều chơi thể thao.
Giờ đây sau 20 năm, những đứa trẻ từng gây chấn động thế giới ngày ấy đều đã khôn lớn trưởng thành, chọn cho mình một con đường riêng:
Kenneth sinh ra nặng 1,5kg, anh cả của 7 đứa trẻ, muốn trở thành một công nhân xây dựng và hiện đang theo học tại trường đại học Des Moines Area Community.
Alexis May, đứa bé chui ra thứ 2 nặng 1,1kg. Cô là một trong 2 bé sinh ra bị bại não và từ bé đã học cách sử dụng khung đi bộ. Cô cũng theo học tại trường Đại học Des Moines Area Community với ước mơ thành một giáo viên mầm non.
Kelsey Ann, bé gái cuối cùng trong 3 bé gái. Cô đã tham gia vào dàn hợp ca của trường từ hồi cấp 3. Ước mơ của Ann là thành ca sĩ. Cô theo học Đại học Hannibal-LaGrange.
Natalie Sue, xuất sắc lọt top 15 của lớp khi tốt nghiệp. Cô cũng học Đại học Hannibal-LaGrange và muốn trở thành một giáo viên mầm non như em gái.
Nathan Roy, đứa trẻ thứ 2 bị bại não trong số các anh chị em của mình. Năm 2005, Roy đã phải phẫu thuật cột sống để tự đi bộ. Anh học khoa học máy tính tại trường Đại học Hannibal-LaGrange.
Brandon James, đứa trẻ thứ 6, cậu chọn con đường binh nghiệp không giống với định hướng của anh chị em mình.
Joel Steven, đứa trẻ cuối cùng ra đời với cân nặng 1,3kg. Giống anh trai Nathan Roy, anh cũng học khoa học máy tính tại trường Hannibal-LaGrange.
Tất cả đều đã trưởng thành nên người và có dự định riêng cho cuộc đời mình.
Sau khi các con đã lớn khôn, hai vợ chồng Kenny và Bobbi đã quyết định chuyển tới căn hộ nhỏ hơn, họ quyên góp lại căn nhà cũ cho một tổ chức để giúp các bà mẹ trẻ.
Giờ đây chẳng còn ai gửi thư làm phiền hay phóng viên luôn theo dõi các hoạt động của nhà ông Kenny nữa.
Thế nhưng mọi người sẽ mãi chẳng bao giờ quên câu chuyện về 2 vợ chồng dũng cảm đã bất chấp tất cả để nuôi dạy 7 đứa con nên người dù không dễ dàng gì.
Khi được hỏi bí quyết nuôi con, ông Kenny còn nói đùa rằng: "Tốt nhất là đẻ một lèo luôn. Đấy là cách tốt nhất rồi".
Theo Trí Thức Trẻ