Đại biểu Quốc hội: Buộc tội 'Giết người', tăng phạt đến tiền tỷ để người say rượu biết sợ khi cầm lái

Đại biểu Quốc hội cho rằng phải tăng mức phạt thật nặng với hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông để những tài xế biết sợ khi say xỉn còn muốn lái xe.

Liên tiếp những vụ tai nạn giao thông gây hậu quả thương tâm, nguyên nhân đều do các tài xế ô tô sử dụng rượu bia khi lái xe.

Nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe ở nước ta còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến nhiều tài xế say xỉn vẫn tham gia giao thông bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của người khác .

Chia sẻ với VTC New về vấn đề này, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải tăng nặng hơn nữa mức phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, kể cả khi chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng để phòng ngừa, răn đe, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Tước bằng lái, tăng mức phạt lên tiền tỷ

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội) cho rằng, hàng loạt vụ tài xế say rượu lái xe tông chết người xảy ra trong thời gian qua xuất phát từ ý thức tham gia thông của người dân hiện nay kém, văn hóa rượu bia rất thấp, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về giao thông chưa cao, quá trình đào tạo, sát hạch và kiểm tra lái xe còn chưa đến nơi đến chốn.

“Tất cả làm cho người ta chưa hiểu được những hình phạt, mức xử phạt là rất nghiêm trọng. Việc xây dựng văn hóa giao thông, văn hóa uống rượu bia là rất quan trọng.

Quan điểm của tôi là phải có những hình phạt về hành chính kinh tế mạnh hơn. Chẳng hạn như đã gây tai nạn chết người thì phải tước bằng lái, tước quyền lái xe vĩnh viễn, kể cả người đó có sám hối như thế nào thì cũng không được phép.

Vấn đề đó khiến họ sợ hơn, đôi khi bị tước bằng lái họ còn sợ hơn bị phạt tù 3 năm”, ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải tước bằng lái xe vĩnh viễn, phạt tiền tỷ đối với tài xế gây tai nạn chết người.

"Mức bồi thường 70-80 triệu đồng/người chết dẫn đến việc có tài xế gây tai nạn, nạn nhân chưa chết nhưng họ sợ phải chăm sóc đến hết đời nên cố tình chèn đến chết hẳn" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Một yếu tố nữa rất quan trọng, theo ông Nhưỡng đó là mức bồi thường dân sự từ trước đến nay với tai nạn giao thông là quá thấp và cần phải tăng mức này lên cao nhiều lần hơn nữa.

“Trước đây, mức bồi thường chỉ ở mức 70-80 triệu đồng với 1 người chết là phi lý. Người ta mất cả mạng sống, dù là vô tình đi chăng nữa thì mức bồi thường đối với 1 mạng người không thể là vài chục triệu được. Mức này phải tăng cao lên tiền tỷ.

Có những trường hợp tài xế chèn qua nạn nhân chưa chết nhưng sợ chuyện phải chăm sóc nạn nhân cho đến hết đời nên tài xế có thể cố tình chèn qua lần nữa cho nạn nhân chết hẳn. Mức bồi thường dân sự thấp dẫn đến những kẻ rất táng tận lượng tâm như vậy

Phải nâng cao hơn nữa mức bồi thường dân sự và có thể áp dụng với từng trường hợp nạn nhân cụ thể. Chẳng hạn như 1 cụ già 80 tuổi thì mức bồi thường có thể là 500 triệu đồng, còn 1 thanh niên thì phải là vài tỷ đồng”, ông Nhưỡng bày tỏ.

Theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, biện pháp hành chính kinh tế là căn bản nhất đối với lĩnh vực giao thông, một mức bồi thường cao thậm chí còn hơn cả hình phạt.

202Theo bạn, có nên buộc tội 'giết người' với những kẻ uống say lái xe gây tai nạn?

Phải làm cho người sử dụng rượu bia thấy sợ, thấy ngán khi lái xe

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng, việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là điều không thể chấp nhận và phải có mức xử lý nghiêm minh.

“Tôi cho rằng xử lý hành chính là mức thấp, chỉ xử phạt bằng tiền nên dẫn đến những vi phạm rất nguy hiểm.

Vì vậy, đối với những vi phạm hành chính thì có thể xử lý hành chính còn những vi phạm tính chất nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào những quy định để có những mức xử phạt đối với các hành vi sử dụng rượu bia nhằm răn đe cảnh tỉnh đối với những người khác”, ông Hòa nói.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, với luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành có những hành vi vi phạm rất nặng nhưng chỉ xử lý ở mức nhẹ, chưa hợp lý nên sắp tới sẽ phải có sự sửa đổi để xử lý làm sao cho công bằng, nghiêm minh, để dư luận quần chúng đồng tình.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Xử lý vi phạm hành chính có những điều không phù hợp và bất hợp lý thì cần phải sửa đổi để hợp lòng dân, tạo sự tin tưởng của người dân. Với mức đô nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

  •  

“Gây ra tai nạn ở mức có thể chưa chết người thì tôi nghĩ cũng phải có mức xử lý để phòng ngừa, răn đe. Phải xem xét để người dân chấp hành luật nghiêm minh, giống như nhiều quốc gia khác, khi uống rượu bia thì tuyệt đối không được lái xe, đặc biệt là lái xe ô tô”, ông Hòa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình với ý kiến của một số luật sư cho rằng, với những lái xe uống rượu bia gây tai nạn chết người có thể xem xét xử lý tội giết ngườ i .

“Đã uống rượu bia mà tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tình thần, tính mạng của người tham gia giao thông khác thì phải có hình thức xử lý nghiêm minh”, ông Hòa nhấn mạnh.

Còn đối với những trường hợp uống rượu bia khi tham gia giao thông mà chưa gây ra hậu quả, theo ông Hòa cũng cần phải xử lý ở mức độ cao, phạt tiền nặng để răn đe.

“Đảm bảo mức phạt để người tham gia giao thông khi mà uống rượu bia thì phải cảm thấy sợ, thấy ngại, ngán khi tham gia giao thông thì mới đảm bảo hiệu quả nghiêm minh và hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông do rượu bia. Phải xử lý nghiêm mình, xử lý rất nặng”, ông Hòa bày tỏ.

 

Theo Theo Tri thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU