Đại sứ Việt Nam giữa "bão" Covid-19 ở Ấn Độ: "Chưa bao giờ thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế"

Trong tình cảnh đại dịch Covid-19 bùng lên mạnh mẽ ở Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh ở quốc gia đông dân nhất thế giới, nơi ông có cơ hội mắt thấy, tai nghe và cả những trải nghiệm đầy xúc cảm.

Những ngày qua, Ấn Độ trở thành tâm điểm của cả thế giới khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Thậm chí, trong ngày 22/4, quốc gia đông dân nhất thế giới ghi nhận 314.835 người mắc Covid-19 mới, một con số kỷ lục của cả thế giới. Quốc gia này đang trở thành tâm điểm của thế giới, nhất là khi truyền thông cho rằng những con số được thống kê chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

"Trong cuộc đời của mình, kể cả những lúc nằm trong hầm trú ẩn để tránh máy bay ném bom của Mỹ vào những năm 1970s, chưa bao giờ cảm thấy lằn ranh giữa cái chết và sự sống lại mỏng manh đến thế", Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu bắt đầu bài chia sẻ của mình trên mạng xã hội.

Trong tình cảnh hệ thống y tế của Ấn Độ đang quá tải nghiêm trọng, Đại sứ Châu cho rằng những người mắc Covid-19 chỉ còn biết trông cậy vào sức đề kháng của bản thân và cả sự may rủi của số phận để mong thoát khỏi con virus tai hại.

Đại sứ Phạm Sanh Châu trong bộ quần áo bảo hộ tại một trung tâm y tế của Ấn Độ

"Gọi điện đến bệnh viện nào thì cũng được cho biết là giường bệnh không còn, máy thở ô xy đã hết và ô xy cũng hết luôn. Trong 24 giờ qua đã có 315.000 ca nhiễm và 2.100 người chết. Cứ 40 giây lại có một người chết vì Covid. Mà họ đâu có phải xa lạ gì, nhiều người là mối quen biết và đối tác làm việc của Đại sứ quan", ông Châu cho biết.

Trong số những người mắc Covid-19, Đại sứ Châu cũng kể về trường hợp của một kỹ sư Việt Nam đang có mặt ở Ấn Độ để xây trụ sở mới cho Đại sứ quán. Khi tình trạng của công dân Việt Nam trở nên nghiêm trọng tới mức "có lúc nồng độ ô xy trong máu giảm xuống dưới 90, có thể gây tử vong", Đại sứ quán đã phải nỗ lực hết sức để có được giường bệnh cho công dân Việt Nam.

"May mắn nhờ sự giúp đỡ của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ và các Vụ chức năng mà Đại sứ quán mới có được một giường chữa bệnh cho một kỹ sư Việt Nam đang xây Trụ sở cho Đại sứ quán. Bạn ấy đã sốt trên 39 độ sau 5 ngày liên tiếp mà không thuyên giảm. Súp yến đổ vào miệng mà vẫn không trôi. Có lúc nồng độ ô xy trong máu dưới 90%, mức có thể gây tử vong. Còn công trường xây dựng Trụ sở mới đã trở thành ổ dịch. Giờ đây, nơi nào ở đây cũng trở thành ổ dịch", Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết.

Tuy nhiên, việc có được giường chữa bệnh cho công dân Việt Nam là điều gì đó đáng vui mừng nhưng ngay lập tức đó cũng là nỗi đau bởi sẽ có ai đó không có giường để được cấp cứu kịp thời. "Đau đớn biết rằng để có được ‘giường bệnh’ này có thể phải đánh đổi bằng sinh mạng của người khác. Có được giường mừng rơi nước mắt vì vừa tủi vừa thương", Đại sứ Châu cho biết.

Dẫu vậy, ngay cả khi có được giường bệnh, hành trình cứu giúp cho kỹ sư người Việt vẫn rất gian nan. Thiếu kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh nhân, dù đang rất yếu, vẫn phải ngồi ngoài phòng để chờ đợi cho tới khi đầy đủ hồ sơ. Tuy nhiên, 3 tiếng chờ đợi đã không để lại điều gì đó đáng tiếc. Việc có giường chăm sóc đặc biệt đã giúp nồng độ ô xy trong máu kỹ sư người Việt tăng lên 92% so với mức nguy hiểm 84% trước đó.

"Cứ tưởng Ấn Độ đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm nhất, anh em trong Đại sứ quán sẽ bình an vì đã từng nhiễm bệnh. Nhưng không! Điều tồi tệ nhất đang chờ ở phía trước. Ngay cả những ai đã tiêm 2 liều vắc xin vẫn có thể nhiễm như cựu Thủ tướng Momanhant Singh. Nhiễm rồi vẫn có thể bị tái nhiễm", Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết.

"Không muốn khóc mà nước mắt cứ trào ra. Nhìn ra đường chỉ nhìn toàn thấy xe cứu thương chạy ngược xuôi. Đến lò thiêu xác cũng quá tải đành mang xác ra vườn lấy cành khô trên cây mà đốt. Thương Ấn Độ quá Ấn Độ ơi. Sao chỉ sau mấy ngày mà để ‘vỡ trận’ rơi vào ‘cơn đại hồng thủy’ như vậy? Chẳng lẽ là nước sản xuất 60% vắc xin trên thế giới mà phải thua trận chiến này sao?", Đại sứ Châu chia sẻ.

Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ hình ảnh người Ấn Độ hỏa thiêu thi thể của nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 được đăng tải trên báo địa phương

Theo Bloomberg, việc đại dịch tái bùng phát ở Ấn Độ có thể do những số liệu quan trọng không được thống kê chính xác, nhất là số người tử vong vì Covid-19. Chính điều này tạo ra những lầm tưởng trong xã hội rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Điều này làm tổn hại đến sự chuẩn bị của Ấn Độ khi làn sóng Covid-19 tiếp theo ập tới.

Thông qua việc ghi nhận số liệu từ các đài hóa thân, Bloomberg cho rằng số ca tử vong vì Covid-19 có thể cao hơn nhiều so với báo cáo của chính quyền. Rất nhiều tử thi được bọc trong túi xác dành cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng không có xét nghiệm nào cho thấy họ dương tính. Thậm chí, nhiều người chết mà không có người thân đưa tiễn vì họ đang bị cách ly vì mắc Covid-19 tại nhà.

Trên thực tế, việc thống kê số nạn nhân của Covid-19 giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát được mô tả là vô cùng khó khăn ngay cả ở các nước có hệ thống y tế phát triển. Ấn Độ cũng tuyên bố không giấu số người tử vong vì đại dịch nhưng những sai số là khó tránh khỏi, nhất là khi cả hệ thống y tế đang căng mình để cứu người.

Link gốc: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/dai-su-viet-nam-giua-bao-covid-19-o-an-do-chua-bao-gio-thay-lan-ranh-giua-cai-chet-va-su-song-lai-mong-manh-den-the-42021234143438611.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU