Dạy trẻ cách quản lý thời gian, không cần đồng hồ vẫn sắp xếp được công việc

Trẻ có khái niệm về thời gian ngay cả khi chưa biết xem đồng hồ. Cha mẹ cần dạy con kiểm soát thời gian. Nếu không, trẻ sẽ không biết đâu là việc làm nên ưu tiên trong ngày và tuần.

Trẻ có thể tham gia một số trò chơi để học cách quản lý thời gian. Ảnh minh hoạ.

Hỗ trợ trẻ cách sắp xếp thời gian

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh - Chủ tịch Học viện Minh Trí Thành chia sẻ, không ít phụ huynh có thói quen giục con nhanh lên, sắp hết giờ rồi. Tuy nhiên, với cách làm này, cha mẹ và trẻ đều cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt, khi bị hối thúc, trẻ sẽ không bao giờ hoàn thành công việc một cách trọn vẹn. Thay vào đó, chuyên gia này cho rằng, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ học cách sắp xếp thời gian.

Khi vào lớp 1, trẻ bắt đầu có khái niệm về thời gian. Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh lấy ví dụ, trẻ có thể hay đặt những câu hỏi như: “Bố ơi, bây giờ là mấy giờ? Con được chơi khi kim dài chỉ đến số mấy?”. Khi đó, bố có thể trả lời rằng, con được chơi đến khi kim dài chỉ đến số 1. Khi đó, trẻ sẽ hình dung ra rằng, mình sẽ được chơi đến số 1.

“Khi đó, trẻ bắt đầu có khái niệm về thời gian bằng việc quan sát. Trẻ có khái niệm về thời gian ngay cả khi chưa biết xem đồng hồ. Cha mẹ cần dạy con kiểm soát thời gian. Nếu không, trẻ sẽ không biết đâu là việc làm nên ưu tiên trong ngày và tuần. Con sẽ bị ngụp lặn trong đống công việc, không thể kiểm soát được”, bà Lanh chia sẻ.

Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể dạy con quan sát kim ngắn, kim dài của đồng hồ. Ví dụ, khi con tắm và đang muốn nghịch nước, nếu cha mẹ yêu cầu đi ra ngay, trẻ sẽ khó chịu. Thay vào đó, phụ huynh có thể hỏi: “Con thích ra bây giờ hay 5 phút nữa?”. Khi đó, trẻ sẽ trả lời là 5 phút nữa. Trẻ cũng sẽ hỏi rằng, 5 phút nữa, kim dài chỉ đến số mấy? Với lứa tuổi này, trẻ chưa thể hiểu 5, 10 phút hay nửa tiếng là bao lâu. Bởi vậy, trẻ thường hỏi kim dài chỉ đến số mấy để dễ hình dung.

“Ngay khi trẻ chưa biết xem đồng hồ, cha mẹ cần dạy con cách quản trị thời gian. Nếu không quản trị thời gian của chính mình, chúng ta sẽ bị thời gian nuốt chửng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh nhấn mạnh.

Giáo viên Nghiêm Thị Thúy - Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara cho biết, quản lý thời gian có nghĩa là kiểm soát tốt hơn cách trẻ sử dụng thời gian. Đồng thời, đưa ra những quyết định sáng suốt về cách trẻ sử dụng thời gian của mình.

Để quản lý hiệu quả, nữ giáo viên gợi ý, khi làm việc, trẻ không nên thực hiện nhiều việc cùng lúc; Đồng thời, cần lên kế hoạch công việc, “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Trẻ cũng có thể lập thời gian biểu.

Chia sẻ về tác dụng của việc quản lý thời gian, chuyên gia cho biết: “Biết quản lý sẽ giúp các con có thời gian hợp lí cho những hoạt động yêu thích. Bên cạnh đó, tạo được quỹ thời gian dành cho gia đình, bạn bè”.

Học quản lý thời gian qua trò chơi

Giáo viên Nghiêm Thị Thúy gợi ý, phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tham gia một số trò chơi để hiểu cách quản lý thời gian. Ví dụ, cha mẹ có thể cùng trẻ lên thời gian biểu. Ví dụ, buổi sáng (6 giờ 30 phút thức dậy, chạy ra sân tập thể dục, 6 giờ 45 phút đánh răng...), cũng như hoạt động vào buổi trưa, chiều và tối. Sau khi lên thời gian biểu, cha mẹ và trẻ cần thực hiện đúng theo lịch đã đề ra.

Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cũng có thể tham gia trò “dọn đồ chơi”. Với trò chơi này, cha mẹ sẽ bấm đồng hồ với một thời gian nhất định (2 – 3 phút tùy vào đồ chơi của trẻ). Sau đó, trẻ sẽ cùng cha mẹ thi đấu để xem trong 2 - 3 phút, ai sẽ dọn được nhiều đồ chơi hơn. Trò chơi này giúp trẻ hiểu hơn về thời gian. Bởi, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh nếu trẻ không có kế hoạch quản trị hợp lý.

Trẻ cũng có thể tham gia cuộc thi “thời gian biểu gia đình”. Giáo viên Nghiêm Thị Thúy cho biết, giờ ăn cơm, xem tivi, giờ làm việc riêng hay lúc đi ngủ… tất cả đều phải được thống nhất giữa các thành viên. Cách làm này sẽ đưa trẻ vào khuôn khổ và nếp sinh hoạt có giờ giấc ổn định.

Cô Nghiêm Thị Thúy nhấn mạnh: Gia đình cùng con lập thời gian biểu. Cha mẹ và con cùng thi ai là người thực hiện tốt nhất, có sự khen thưởng và phạt. Khi trẻ thực hiện đúng, gia đình nên khen và khuyến khích con. Bước đầu, bé sẽ chưa thực hiện chính xác, cha mẹ nên kiên trì và luôn khích lệ con. Thói quen này không những tốt cho sức khỏe, mà còn theo bé đến khi trưởng thành, hỗ trợ rất nhiều cho công việc cũng như cuộc sống sau này.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp trẻ lập thời gian biểu riêng. Cha mẹ cần mua cho trẻ một cuốn lịch, hoặc quyển sổ riêng. Nhờ đó, để trẻ tự sắp xếp thời gian, như việc học tập, vui chơi.

“Cha mẹ nên hỗ trợ con trong việc đưa ra một thời gian biểu cân đối và hợp lý. Bên cạnh đó, việc giám sát và nhắc nhở bé cũng là điều cần thiết. Hãy để con được tự đưa ra ý kiến của bản thân và có sự khuyến khích của gia đình”, cô Thúy chia sẻ.

Trong cuốn “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, tác giả người Do Thái Sara Imas đã tóm tắt những cách cha mẹ dạy con quản lý thời gian. Những phương pháp bao gồm: Lập lịch cho việc học, làm việc nhà và vui chơi hằng ngày; Phân biệt tính cấp bách và tính quan trọng; Tranh thủ học - nhất là ngoại ngữ - trong khi làm việc để tiết kiệm thời gian.

Ngoài ra, trẻ cũng cần hiểu rằng, hãy làm việc quan trọng nhất vào thời gian hiệu quả nhất trong ngày. Tập trung, dốc toàn bộ sức lực vào việc quan trọng, không vừa làm vừa chơi. Sử dụng 10 phút trước khi tan học để chỉnh vở ghi chép và kiểm tra bài tập cần làm. Học ngoại ngữ đều đặn hàng ngày, tốt nhất là vào buổi sáng.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU