Đề thi Văn lớp 8 cuối kỳ 1 ở Đồng Tháp được nhận xét là phản cảm. Ảnh: Dân Việt.
Mặc dù ý nghĩa câu chuyện chỉ trích người tham lam, nói dối, không giữ lời hứa thế nhưng từng tình tiết và câu chữ trong văn bản trên lại vô cùng phản cảm, không phù hợp để đưa vào làm bài kiểm tra cuối kỳ.
"Về ngữ liệu, đề kiểm tra thiếu tính thẩm mỹ khi chọn văn bản "Sao chưa mời tôi ăn". Đây chỉ là câu chuyện dân gian bông đùa, có một chút phê phán thói khôn lỏi của người dân xưa ít học, không có tính giáo dục cho học sinh ở thời nay. Ngữ liệu có từ ngữ "phân" (người) đặt bên cạnh miếng ăn càng không chấp nhận được.
Ngoài ra, câu 1b, 1c sử dụng dấu chấm hỏi là sai vì không phải là một câu hỏi. Câu 2c yêu cầu học sinh rút ra bài học cũng không phù hợp, vì có thể các em viết... bậy. Câu 3b hoàn toàn không có nghĩa hàm ẩn. Nhìn chung, người ra đề, phản biện đề và duyệt đề vừa cẩu thả vừa yếu về chuyên môn" , giáo viên này nhận xét.
Thông tin về sự việc này, ông Nguyễn Thanh Hoà, Chuyên viên Giáo dục THCS, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình cho hay: "Đến nay chúng tôi chưa nhận được phản ánh, báo cáo từ giáo viên, phụ huynh, học sinh. Chúng tôi sẽ tham mưu với lãnh đạo cho rà soát lại đề thi từ hội đồng bộ môn".
Liên quan đến sự việc, ông Võ Thành Ngoan – Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã xác nhận với tạp chí Giáo dục Việt Nam rằng, đơn vị đã nắm được tình hình dư luận có những ý kiến khác nhau về đề kiểm tra môn Ngữ Văn lớp 8 của học sinh trong huyện.
Thông tin thêm, ông Ngoan cho biết ông cũng vừa mới họp 2 cuộc họp với Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình, hiệu trưởng các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện về đề kiểm tra này.
Ông Võ Thành Ngoan khẳng định, đề kiểm tra này hoàn toàn không sai gì về luật, nên không cần phải kiểm tra lại, hủy kết quả bài làm của học sinh. Tuy nhiên, đề có những câu văn, ngôn phong không được tốt, thiếu tính thẩm mỹ, người ra đề đã không cẩn thận.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho hay, có rất nhiều ngữ liệu phù hợp cho môn Ngữ Văn để ra đề cho học sinh làm, không hiểu sao lại không chọn, mà lại chọn ngữ liệu là đoạn văn bản này.
Về việc đưa ra hướng xử lý, ông Võ Thành Ngoan cho hay, lãnh đạo huyện đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với người ra đề này, người phản biện và cả người duyệt đề (là lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình).
Ngày 21/7/2021, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH Hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết”.
Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề thi cho học sinh, đây là phương pháp học hiệu quả nhưng việc lựa chọn ngữ liệu phù hợp cũng chưa hẳn là dễ dàng với các giáo viên ra đề. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, nếu có được "ngân hàng ngữ liệu", giáo viên sẽ yên tâm hơn khi thực hiện chỉ đạo của Bộ về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.
Ngân hàng ấy bảo đảm đầy đủ tất cả các loại văn bản (văn học, nghị luận, thông tin), tất cả các thể loại văn học quy định trong Chương trình Ngữ văn 2018. Yêu cầu này hết sức khẩn thiết, nhất là với các kì thi lớn, nếu muốn có những đề thi hay, chất lượng.