Thí sinh hoàn thành bài thi tiếng Anh vào lớp 10 chiều nay. (Ảnh: Chí Hiếu)
Phần ngữ pháp, từ vựng nhìn chung vẫn là các trọng tâm kiến thức cơ bản, không khác nhiều so với đề thi năm ngoái, nhưng có một số câu phải suy nghĩ và phân tích đề bài, nếu không dễ nhầm lẫn. Phần này không có câu mang tính đánh đố và gây khó khăn cho học sinh.
Phần ngôn ngữ giao tiếp trong đề thi năm nay có điểm mới so với đề thi năm ngoái, kiểm tra các em về đọc hiểu biển báo, đây là câu hỏi khá hay.
Bài đọc với chủ đề quen thuộc, từ vựng và câu hỏi khá dễ làm, bài đọc điền từ khá thú vị khi nội dung là một mẩu quảng cáo về một khóa học tiếng Anh. Tuy nhiên, trong hai bài đọc này có xuất hiện các câu hỏi phân loại, đề kiểm tra về vốn từ vựng và khả năng phán đoán của học sinh.
Phần viết, với các cấu trúc đa dạng, đánh giá các câu hỏi năm nay khó hơn một chút so với đề thi năm ngoái, cũng là các câu phân loại học sinh tốt.
"Với tính phần kiến thức phân bổ chủ yếu trong mức độ thông hiểu kết hợp với các câu mang tính phân loại tốt trong đề, phổ điểm năm nay có thể sẽ từ 7 đến 8 điểm" , cô Thuỷ nói và dự báo sẽ hiếm thí sinh đạt điểm 10.
Đề khó, dạng thức câu hỏi mới
Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi tuyển sinh vào 10 năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như các năm học trước. Tuy nhiên, đề thi năm nay có độ khó nhỉnh hơn so với năm trước và phù hợp với mục tiêu tuyển sinh vào các trường THPT.
Về cấu trúc và phạm vi kiến thức, đề thi gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút. Phạm vi kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình tiếng Anh lớp 9, phần còn lại nằm rải rác ở các lớp thuộc cấp THCS.
Trong đề xuất hiện một số dạng câu hỏi mang tính thực tiễn như chủ đề bài đọc về Teentech, dạng chức năng giao tiếp có câu hỏi về biển báo cảnh báo. Dạng bài điền từ cũng theo hình thức mới, không phải là đoạn văn thông thường như mọi năm mà ngữ liệu là thông báo về khóa học. Có lẽ đây cũng là một điểm mới trong đề để chuẩn bị bước sang năm 2025 – năm đầu tiên sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về độ khó của đề thi, khoảng 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% phần còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.
Các câu hỏi ở mức nhận biết – thông hiểu là các câu hỏi ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng cơ bản, thường nằm trong chương trình học. Tuy nhiên, các câu hỏi vận dụng – vận dụng cao là các câu hỏi ngữ pháp hoặc từ vựng nâng cao, dạng điền từ, đọc hiểu và viết, đòi hỏi học sinh trong quá trình học cần tích lũy và mở rộng kiến thức.
Đề thi cũng không xuất hiện những câu hỏi đánh đố hay quá khó. Với đề thi này, thí sinh cần phải nắm chắc các kiến thức ngữ âm, ngữ pháp nền tảng, học sâu hiểu kỹ bản chất; kỹ năng xử lý các dạng bài tốt thì mới có thể đạt điểm cao.
Nhìn chung, để hoàn thành bài thi này, thí sinh cần nắm chắc kiến thức ngữ pháp và từ vựng, thuần thục kĩ năng làm bài. Đề thi phù hợp với mục tiêu tuyển sinh và dự kiến sẽ không xuất hiện nhiều điểm 10 như mọi năm, thầy Nguyên dự đoán.