Đến hẹn lại lên, cứ thu đến là 9 bệnh này lại khiến cả nghìn người điêu đứng

Thời tiết sang thu có nhiều biến động, không khí lúc ẩm lúc khô kết hợp với gió mùa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật, virus, vi khuẩn…gây bệnh sinh sôi nảy nở. Khi đó, sức đề kháng của cơ thể cũng bị suy giảm nhanh chóng và dễ mắc 9 bệnh dưới đây.

1. Dị ứng da

Theo bác sĩ chuyên khoa dị ứng, bệnh dị ứng da là một loại bệnh rất phổ biến vào mùa này. Nhiệt độ thay đổi đột ngột từ hè sang thu làm độ ẩm không khí tăng cao là nguyên nhân chính khiến làn da khô ráp và dễ nổi mẩn ngứa. Với người có cơ địa nhạy cảm sẽ dẫn đến bệnh dị ứng da cấp tính hoặc mãn tính (viêm da cơ địa).

Để phòng tránh bệnh này, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên hạn chế tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Đồng thời giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ. Khi cần phải tiếp xúc với hóa chất như thuốc tẩy rửa, bột giặt, nước vệ sinh…nên đi găng tay bảo vệ để tránh bị khô da.

2. Hen suyễn dị ứng

Với những người có nguy cơ mắc bệnh dị ứng mùa thu cũng có khả năng mắc bệnh hen suyễn dị ứng vào mùa này. Bệnh xảy ra là do cơ thể chúng ta phản ứng với các tác nhân gây ngứa như lông vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc…Triệu chứng thường gặp nhất của hen suyễn dị ứng là khó thở. 

Để không bị mắc bệnh hen suyễn vào mùa thu, khi ra đường bạn phải nhớ đeo khẩu trang y tế. Tránh tiếp xúc nhiều với khói thuốc, bụi bẩn, lông động vật. Đồng thời, vào những ngày thời tiết thay đổi, bạn cần giữ ấm cơ thể liên tục với khăn, mũ, áo choàng...

Dùng thuốc ngừa dị ứng cũng là cách để phòng bệnh, tuy nhiên, khi dùng thuốc bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.

3. Đau họng, cảm cúm

Hệ thống miễn dịch của cơ thể thường bị suy giảm vào mùa thu nhiều hơn so với các mùa khác. Vì thế, vào mùa này cơ thể chúng ta rất dễ bị nhiễm lạnh.

Các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm: đau đầu, sưng họng, sốt, ngạt mũi, sưng amidan, đôi khi có hạch…

Người bị cảm cúm cần dành thời gian nghỉ ngơi và chú ý uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép nhiều vitamin C. Cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Với trẻ nhỏ, cần hạn chế cho bé tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cúm. Tăng cường dinh dưỡng, vitamin C cho trẻ và tuyệt đối tránh ăn những thức ăn lạnh như kem, đá,…Trường hợp cần thiết có thể cho trẻ đi tiêm phòng bệnh cúm.

4. Đau nhức xương khớp

Độ ẩm cao, áp suất chênh lệch, gió lạnh là những yếu tố góp phần gây ra bệnh đau nhức xương khớp vào mùa thu. Đây là bệnh điển hình theo mùa và xảy ra thường xuyên nhất với những người trên 35 tuổi.

Nếu không muốn đau nhức xương khớp khi trời vào thu, bác sĩ xương khớp khuyên chúng ta nên bổ sung thường xuyên các thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa, cá mòi, cá hồi, đậu, chuối...Nếu có thể, hãy uống 2-3 ly sữa mỗi ngày để xương luôn chắc khỏe. Cần có ý thức vận động để tay chân hoạt động liên tục, góp phần giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.

5. Bệnh dạ dày, tá tràng

Chúng ta có thể bắt gặp hai căn bệnh này tại bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, khi mùa thu tới, hệ miễn dịch của chúng ta suy giảm mau chóng thì rất khó chống lại sự ảnh hưởng của các vi khuẩn gây bệnh, dẫn đến cơ thể bị loét dạ dày và tá tràng.

Biểu hiện thường gặp của bệnh là đau bụng, buồn nôn và cảm giác ăn không ngon miệng. Nếu thường xuyên đau bụng sau khi ăn thì bạn nên sớm đến bác sĩ để thăm khám.

Để phòng tránh bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, mọi người cần thay đổi thói quen ăn uống hàng ngày. Nên ăn chậm, nhai kỹ, không vừa ăn vừa làm việc, ăn trước khi đi ngủ hay uống nước liên tục trong khi ăn. Vào mùa thu, chúng ta nên tránh xa các thực phẩm cay nóng, chứa nhiều axit và chất kích thích. Có thể ngồi thiền hoặc tập yoga để giúp giảm cơn đau do bệnh dạ dày gây nên.

6. Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp vào cuối hè đầu thu. Bởi thời tiết đang chuyển từ nắng nóng sang mưa làm độ ẩm không khí tăng cao, dễ làm hệ thống miễn dịch suy yếu khiến cơ thể mất khả năng phòng bệnh.

Ngoài ra, môi trường nhiều khói bụi, sử dụng nước không sạch, dùng chung khăn mặt, vệ sinh kém…cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ này.

Để chữa bệnh đau mắt đỏ hiệu quả nhất thì chúng ta phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tốt nhất là nên đến các phòng khám chuyên khoa điều trị. Để phòng bệnh đau mắt đỏ vào mùa thu, bạn nên thường xuyên chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khi ra ngoài phải có biện pháp bảo vệ mắt và tránh tiếp xúc với người đã bị nhiễm bệnh.

7. Bệnh thủy đậu

Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh thủy đậu nhất khi tiết trời vào thu. Bệnh lây lan do người bệnh ho phát tán virus trong không khí và người lành hít phải. Những vết phồng đỏ, mọng nước gây ngứa trên da thường xuất hiện sau 10-21 ngày nhiễm virus.

Cách phòng tránh bệnh thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc xin và trang bị cho cơ thể một hệ miễn dịch tốt nhất. Vào mùa thu, nhớ ăn thêm các loại hoa quả giàu vitamin C. Chú ý vệ sinh sạch sẽ cơ thể thường xuyên bằng xà bông diệt khuẩn.  Khi có biểu hiện mắc bệnh phải được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không chữa theo các kinh nghiệm dân gian làm nhiễm trùng các vết mụn bọc. 

\

8. Sốt virus

Sốt hay gặp trong thời điểm giao mùa thường là sốt virus với các biểu hiện như sốt phát ban, cúm, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, đau nhức cơ…Trẻ em và người già là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất do sức đề kháng yếu.

Để phòng bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa như này, trẻ em và người lớn cần uống đủ nước và bổ sung thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, C nhằm tăng cường sức đề kháng toàn diện như cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt xanh, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng, cà rốt, rau ngót, đu đủ (quả màu đỏ)...

Riêng với trẻ nhỏ, nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sau khi chơi đùa và giữ ấm cơ thể trẻ thường xuyên.

9. Suy tim

Giống như mùa hè, khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể chúng ta phải đấu tranh để thích ứng với sự biến đổi đó và có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, gây nên hậu quả khó lường như bị trụy tim, suy tim.

Để phòng ngừa căn bệnh này vào mùa thu, chúng ta nên bổ sung thêm nhiều hoa quả, rau xanh, cá, thịt bò…vào thực đơn hàng ngày. Nên chăm chỉ tập thể dục để điều hòa hệ tim mạch. Hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo, cholesterone và đồ uống chứa chất kích thích.

Với bệnh nhân có tiền sử tim mạch hay huyết áp thì cần theo dõi cơ thể liên tục và tái khám thường xuyên.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU