Tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ. Ảnh minh họa
Bệnh nhân Nguyễn T.P. (10 tuổi) vào bệnh viện trong tình trạng liệt nửa người. Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đó 3 tuần, trẻ đột ngột xuất hiện tình trạng đau đầu, nôn, đau bụng, sốt nhẹ. Khi đi khám tại bệnh viện tuyến huyện thì được chẩn đoán "theo dõi tắc ruột". Sau đó, P. xuất hiện tình trạng yếu tứ chi, phải chuyển đến bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh.
Tại đây, các bác sĩ làm xét nghiệm dịch não tủy, P. được chẩn đoán "theo dõi viêm màng não mủ". Sau đó, các triệu chứng yếu tứ chi tăng, kèm co giật và suy hô hấp, ý thức lơ mơ, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, P. được chẩn đoán "viêm não Nhật Bản - theo dõi động kinh".
Sau khi được điều trị thở máy, dấu hiệu sinh tồn ổn định, P. được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội. Hiện tại, trẻ bị liệt nửa người, rối loạn nuốt do viêm não Nhật Bản tuần thứ 4, suy dinh dưỡng nặng, sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Được biết, trước đó P. đã được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản nhưng chưa được tiêm các mũi nhắc lại.
ThS. BS. Hoàng Khánh Chi, Phó Giám đốc, phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, cho biết, sau can thiệp phục hồi chức năng 1 tuần, tình trạng ý thức của trẻ đã cải thiện, giao tiếp mắt tốt hơn, biết cười thành tiếng, giảm tần suất cơn loạn trương lực cơ. Cân nặng của trẻ có xu hướng tăng, chưa phát hiện thương tật thứ cấp.
Ngoài những vấn đề sức khỏe của trẻ, hoàn cảnh gia đình cháu P. có nhiều khó khăn, bệnh viện đang tìm kiếm nguồn lực giúp đỡ trẻ có cơ hội tiếp cận điều trị phục hồi chức năng tích cực, lâu dài.
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Chi, khi trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản, tỷ lệ tử vong lên đến 20% - 30%. Những trường hợp sống sót, tình trạng có thể cải thiện sau 6 đến 12 tháng điều trị phục hồi chức năng. Tuy nhiên, 30% - 50% có di chứng thần kinh và tâm thần đáng kể.
"Mặc dù vaccine viêm não Nhật Bản đã nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và cộng đồng cần được tăng cường nhận thức, quan tâm phòng bệnh cho trẻ, tuân thủ lịch tiêm phòng, đặc biệt là các mũi tiêm phòng nhắc lại cho đến khi trẻ 15 tuổi và phòng tránh muỗi đốt", bác sĩ Hoàng Khánh Chi khuyến cáo.
Đồng thời, bác sĩ Chi khẳng định, nếu chỉ tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản mũi 1 thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi thì hiệu lực bảo vệ có thể đạt trên 80%. Khi tiêm đủ 3 mũi thì hiệu quả đạt tới 90% - 95% trong khoảng 3 năm. Do đó, trẻ cần được tiêm nhắc lại mỗi 3 năm cho đến 15 tuổi. Ngoài ra, các gia đình cần có biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt.
Viêm não Nhật Bản là tình trạng viêm của hệ thống thần kinh trung ương ở người và động vật do virus viêm não Nhật Bản lây truyền qua muỗi gây ra. Mỗi năm, có khoảng 30.000 đến 50.000 ca viêm não Nhật Bản trên thế giới.
Ở Việt Nam, con số ghi nhận là 2.000 - 3.000 trường hợp, chủ yếu xảy ra ở trẻ em (75% trẻ dưới 14 tuổi). Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng không có triệu chứng, trường hợp còn lại biểu hiện viêm não cấp, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30% và khoảng 50% bệnh nhân sống sót bị di chứng thần kinh.
Hiện chưa có liệu pháp điều trị đặc hiệu, phòng ngừa bệnh thông qua tiêm chủng và ngăn ngừa muỗi đốt.
Việt Nam nằm trong 24 quốc gia khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương có virus viêm não Nhật Bản lưu hành. Bệnh lưu hành trong cả nước và bùng phát nhiều nhất vào trong và sau mùa mưa.
Đỉnh điểm dịch thường rơi vào các tháng 5, 6, 7. Vì đây là bệnh không có thuốc đặc trị nên việc chữa trị tập trung làm giảm các triệu chứng bệnh, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và phục hồi chức năng khi có di chứng. Tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản là phương pháp phòng ngừa tối ưu và hiệu quả hiện nay.