Điểm thi THPT quốc gia không phản ánh đúng năng lực học sinh

Đề thi chỉ tập trung vào lớp 11, 12 nên tạo cơ hội cho thói quen học tủ, không phản ảnh khả năng thực học của học sinh.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia), chia sẻ góc nhìn về kỳ thi THPT quốc gia và hiệu quả của nó trong đánh giá năng lực học sinh.

Tuần qua, những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia được đề cập đến nhiều. Những bảng phân bố điểm thi ở một số tỉnh là tín hiệu cho thấy có nhiều điểm bất thường, và quả thật qua xác minh thì chúng ta biết rằng có gian lận trong thi cử. Nhưng những kết quả phân tích này còn phản ảnh rằng điểm thi chưa phản ảnh đúng và tin cậy trình độ của thí sinh. Điều này cũng có nghĩa là việc nhập hai kỳ thi thành một có lẽ là quyết định vội vã.

Có quá nhiều vấn đề cần nêu lên trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, và nhiều chuyên gia trong ngành đã đề cập. Trước hết là sự ngạc nhiên về đề thi môn Toán quá khó. Có vài giáo sư toán học cho biết không thể giải đáp tất cả 50 câu hỏi trong thời hạn 90 phút cho phép. Chỉ với một tính toán đơn giản, có thể ước tính rằng trong số gần một triệu thí sinh dự thi thì chỉ có 5 người có điểm 0 (nếu tất cả chọn ngẫu nhiên). Nhưng trong thực tế, có đến 951 thí sinh (có nơi báo cáo là 830 thí sinh) có điểm 0. Nếu đây là điểm 0 thật (không do yếu tố khác) thì quả thật là một hiện tượng rất hiếm, và là tín hiệu cho thấy đề thi có vấn đề.

Tính chung, phân bố điểm môn Toán ở một số tỉnh có vẻ bất thường. Phân bố điểm môn toán ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều lệch đáng kể so với phân bố của cả nước. Tính chung cả nước, chỉ có 0,056% thí sinh có điểm môn Toán bằng hay cao hơn 9, nhưng Hà Giang tỷ trọng này là gần 1,8% (tức cao hơn tỷ trọng cả nước đến 32 lần). Tương tự, tỷ trọng thí sinh ở Hòa Bình và Sơn La có điểm môn Toán từ 9 trở lên cũng cao hơn tỷ trọng cả nước, và những khác biệt này có ý nghĩa thống kê.

Những kết quả phân tích đặt câu hỏi có nên quay lại cách làm trước đây, tức là duy trì hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học?

Ở nước ngoài, như Australia, chỉ có một kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đại học dựa vào kết quả (điểm) kỳ thi này để tuyển sinh theo tiêu chuẩn đã định trước. Phương án một kỳ thi này được đánh giá có hiệu quả cao qua việc tiết kiệm ngân sách nhà nước và sức lực của học sinh có thể dành để tập trung vào học đại học và sau đại học. Nhưng ở Việt Nam, những kết quả năm nay cho thấy phương án một kỳ thi chưa phải là giải pháp tốt nhất.

Hơn mười năm trước, trong cuốn sách “Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại” (Nhà xuất bản Trẻ, 2003), tiến sĩ Dương Thiệu Tống phân tích cho thấy điểm trung bình của học sinh thi tuyển vào đại học còn rất thấp, chỉ khoảng 8,3 đến 8,4 (trên số điểm tối đa 30). Khoảng 87% thí sinh có điểm thi dưới 15. Năm nay, điểm trung vị thi khối A là 15.5, và bách phân vị 75% là 18. Tức điểm thi THPT quốc gia cao hơn điểm thi tuyển đại học rất nhiều.

Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn nữa, điểm thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học cũng không tương quan với khả năng học của học sinh. Với môn Toán, phân tích trên 1.280 học sinh cho thấy hệ số tương quan giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm thi tuyển sinh đại học là 0,17; giữa điểm tốt nghiệp lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0,09; và giữa điểm thi tuyển sinh đại học với điểm lúc cuối chương trình đại học là 0,19.

Nói cách khác, điểm thi tốt nghiệp THPT không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi tuyển đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học. Nói cụ thể hơn, học sinh có điểm thấp khi tốt nghiệp trung học khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học vẫn có điểm cao; ngược lại phần đông học sinh có điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học không phải là sinh viên có điểm cao khi học đại học.

Có nhiều cách diễn dịch con số thống kê trên. Trong những diễn dịch đó, có thể (a) điểm thi tốt nghiệp trung học không phân biệt được khả năng của sinh viên lúc theo học đại học; hoặc (b) đề thi tốt nghiệp trung học không ăn khớp với nhu cầu học thuật ở bậc đại học; hoặc (c) là số phần của sinh viên, kiểu như “học tài thi phận”. Tôi không tin ở số phần, nhưng với thực tế vừa trình bày trên, tôi thiên về (a) và (b), tức là hệ thống thi cử hiện nay không phản ánh trung thực trình độ và tiềm năng của học sinh. Nói cụ thể hơn, điểm thi tốt nghiệp trung học (và thi tuyển vào đại học) hiện nay không thể dùng làm chuẩn để tuyển chọn sinh viên.

Tôi thấy nội dung thi tốt nghiệp trung học hay tuyển sinh đại học ở Việt Nam mang tính thách đố hơn là kiểm tra trình độ của học sinh. Mấy mươi năm qua, đề thi cho mỗi môn học chẳng có gì thay đổi đáng kể: câu hỏi vẫn tập trung vào chương trình lớp 12. Có khi là những câu hỏi khá "hóc búa", thiếu tính thực tế, thậm chí đi ra ngoài chương trình học. Chẳng hạn nội dung đề thi môn Toán không phản ảnh toàn bộ chương trình trung học. Bởi vì đề thi chỉ tập trung vào lớp 11 hay 12, nên tạo cơ hội cho thói quen học tủ, và vì học tủ nên không phản ảnh khả năng thực học của học sinh.

Xin nói thêm như là một ghi chú rằng ở Australia, đề thi (có thể tham khảo ở trang web của Bộ giáo dục bang NSW) tốt nghiệp trung học thường trên dưới 40 câu hỏi từ dễ đến khó. "Dễ" và "khó" ở đây hiểu theo nghĩa kiểm tra toàn bộ kiến thức của học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Chẳng hạn đề thi môn Toán cho học sinh theo học môn toán khối I (tức trung bình), bao gồm cả câu hỏi ở trình độ lớp 9, nhưng lần lược dẫn dắt học sinh đến các chủ đề "cao" hơn ở lớp 11 và 12 như ứng dạng đạo hàm và tích phân. Với một đề thi như thế, kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Australia phản ảnh khá chính xác trình độ của học sinh, bởi vì một học sinh có điểm tốt ắt phải có điểm tốt toàn diện của môn học, chứ không chỉ vài câu hỏi mang tính ngẫu nhiên và thách đố.

Ai cũng biết trong thực tế học sinh khác nhau về năng khiếu giữa các môn học. Có học sinh giỏi về toán nhưng kém về sinh học; có học sinh khá về hóa học nhưng không có năng khiếu về toán. Ngay cả trong một môn, như môn Toán, có học sinh khá về lý thuyết nhưng kém về việc ứng dụng, nhưng có em giỏi trong việc ứng dụng toán mà kém các chủ đề mang tính lý thuyết, và cũng có người giỏi cả hai mặt lý thuyết và ứng dụng. Và, khả năng của học sinh, dù lý thuyết hay ứng dụng, cần được ghi nhận qua việc thi cử. Vì thế, một đề thi lý tưởng cần phải phản ảnh những thực tế này.

Do đó, tôi cho rằng cần xem xét việc soạn đề thi với nội dung nhằm kiểm tra kiến thức của toàn bộ chương trình học trung học, chứ không nên chỉ tập trung vào chương trình lớp 12. Thật là khó tưởng tượng nổi cả chương trình trung học có thể tóm gọn trong vài câu hỏi! Chẳng hạn trong môn Toán, ngoài những câu kiểm tra trình độ căn bản về đại số và phương trình/bất phương trình (trình độ lớp 9 hay lớp 10), cần phải có những câu hỏi về lý thuyết và ứng dụng của lượng giác, đạo hàm, tích phân, và xác suất. Phương thức soạn đề thi như đề nghị có thể phản ảnh chính xác hơn tiềm năng và khả năng của học sinh.

Từ thực tế trên, vấn đề chất lượng giáo dục có lẽ phải bắt đầu từ sách giáo khoa, mà hiện nay đã có người nói là “không giống ai”. Một cách lý tưởng, chương trình giáo khoa bậc trung học nên đáp ứng được sự khác biệt về năng lực của các học sinh. Cách soạn chương trình học này chẳng những tạo cơ hội cho người học sinh thực hiện tiềm năng thích hợp của mình mà còn chuẩn bị cho người học sinh một ngành học đại học mà các em thấy hợp với năng khiếu của mình.

Nói tóm lại, kết quả phân tích phân bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy có hàng nghìn trường hợp điểm cao một cách bất thường, và chúng ta đã biết một chút về nguyên nhân của sự bất thường đó. Nhưng kết quả phân tích còn hàm ý rằng điểm thi THPT quốc gia chưa phản ảnh đúng năng lực của học sinh, và chứng cứ trước đây cho thấy cũng chẳng có tương quan gì đến khả năng học đại học. Có lẽ phương án nhập hai kỳ thi thành một là một quyết định vội vã và có thể gây tác động lâu dài cho nền giáo dục.

Theo vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU