Cũng theo bà Th., T. được điều trị tại bệnh viện đến nay vẫn chưa được xuất viện. Phụ huynh này cũng bày tỏ bức xúc trước sự việc nhiều học sinh tấn công con gái mình dã man mặc dù được nhiều người dân xung quanh can ngăn. Bà Th. đã làm đơn trình báo cơ quan công an và đề nghị xử lý thật nghiêm sự việc.
Cùng ngày, trao đổi với PV báo Thanh niên, ông Phạm Ngọc Ký, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TX.Bình Minh, xác nhận sự việc trên và cho biết, nguyên nhân ban đầu được xác định là mâu thuẫn giữa em T. và một học sinh khác trên mạng xã hội. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã mời phụ huynh và các em có liên quan, bước đầu xác định có khoảng 7 học sinh tham gia vụ đánh hội đồng trên. Nhà trường có cử giáo viên chủ nhiệm đến thăm hỏi, động viên gia đình em T. Trường cũng đợi em T. xuất viện, tiến hành làm việc để có hướng xử lý; phía công an cũng đã vào cuộc xác minh sự việc.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc.
Các vụ bạo lực học đường có sự giảm về độ tuổi và sự tăng về số học sinh nữ tham gia. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, hiệu trưởng và giáo viên các trường học còn thiếu kỹ năng xử lý bạo lực học đường.
Phân tích về căn nguyên bạo lực học đường gia tăng, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng một trong những nguyên nhân chính đến từ xung đột và bạo lực trong gia đình.
Cũng tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra các giải pháp đồng bộ để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng bạo lực trong trường học:
Một là cung cấp cho học sinh các kỹ năng xử lý những vấn đề có nguy cơ phát sinh bạo lực học đường.
Hai là tập huấn cho giáo viên kỹ năng xử lý các vấn đề xảy ra giữa học sinh.
Ba là bổ sung vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường cho các trường học.
Bốn là thúc đẩy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường.
Theo Dân Trí