Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã được điều động đi rất nhiều bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 và bệnh viện hồi sức tại TP.HCM để tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượng bệnh nhân Covid-19 từ nặng cho đến rất nặng và nguy kịch được chuyển đến vẫn tăng lên từng ngày. Khối lượng công việc lẫn áp lực dành cho đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện cũng tăng cao.
Điều dưỡng Trần Thị Thúy - phụ trách Điều dưỡng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đa số các nhân viên của khoa Bệnh nhiệt đới đều đóng gói đồ đạc vào bệnh viện ở tạm khu nhà nghỉ.
Điều dưỡng Thuý chia sẻ có những nhân viên bệnh viện có địa chỉ nhà nằm trong khu phong toả. Sau ca trực, họ bước về nhà thấy phong toả đành quay lại bệnh viện. Lý do là nếu họ về nhà, họ không thể đi làm, khoa sẽ thiếu nhân lực, không có người chăm sóc cho bệnh nhân.
Có những người con mới 6,7 tháng đã gửi về quê và suốt 3 tháng qua họ không về nhà.
Nghĩ tới những người đồng nghiệp của mình, chị Thuý rơi nước mắt "các em mệt mỏi, nhớ con, có những hôm các em bước ra khỏi khu cách ly là ngồi khóc, mình cũng không biết các em bị làm sao, tôi còn tưởng các bạn bị ai la mắng. Khi tôi ra hỏi thì các em ấy bảo: em mệt quá, em khóc tý thôi. 15 – 20 phút trôi qua, họ lại vào làm việc tiếp. Tôi cảm ơn các đồng nghiệp vì các em đã cùng khoa, bệnh viện hoàn thành công việc kéo dài suốt 3 tháng qua".
Chị Thuý nói chị vẫn hay động viên "các chị em thôi cố gắng khi nào hết dịch chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường".
Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, chị Thuý còn lo sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở, đồ ăn thức uống cho các bạn điều dưỡng. Mọi người đều đang đuối sức nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành công việc.
Ảnh minh hoạ.
Theo TS BS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận và điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân mắc Covid-19/ngày, được phân bổ tại khu cách ly khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức cấp cứu khu D (cho những bệnh nhân nguy kịch cần hỗ trợ ECMO) và nhiều nhất là tại 3 tầng cách ly ở khu E do khoa Bệnh nhiệt đới quản lý, với hàng trăm bệnh nhân ở mức độ từ trung bình nặng đến nặng và nguy kịch.
TS Hùng cho biết với sức ép của dịch bệnh, nhân viên y tế của khoa đang làm gấp 2, 3 lần. Trước đây, 1 tháng sẽ được "đảo" một lần nhưng hiện tại không có nhân lực nên họ phải toả ra làm hết nhiệm vụ ở các nơi.
Bên cạnh đội ngũ y bác sĩ của khoa Bệnh nhiệt đới, nhiều nhân viên y tế từ các khoa phòng khác cũng đã được điều động đến khoa Bệnh nhiệt đới để hỗ trợ các đồng nghiệp tại đây. Hiện tại, mọi người đều cố gắng, dù rất mệt nhưng không thể thay thế được, vẫn phải làm việc.
BS Hùng chia sẻ: Các nhân viên khu hồi sức tích cực của khoa Bệnh nhiệt đới ai cũng mệt nhưng mọi người vẫn cần mẫn làm việc, họ vẫn làm hết sức.
"Họ đang làm việc bằng ý chí chứ không phải bằng sức lực bởi vì họ đã vượt quá sức lao động, thời gian làm việc quá lâu" – TS Hùng nói.
Theo soha.vn