Đặc biệt, khi phản ánh với báo chí, nhiều phụ huynh phản ánh họ bị "ép khéo" đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh liên kết dưới danh nghĩa tự nguyện. Không ít trường còn xếp lịch học chương trình bổ trợ này vào chính khóa để thu hút học sinh tham gia. Thậm chí, có trường triển khai đến 3 chương trình liên kết. Chiết khấu nhà trường nhận được cho "sự liên kết" này lên tới 20%.
Trong lần trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định không thể có một trường mà ba chương trình liên kết. Mỗi trường chỉ có nội dung học theo khung của Bộ GD&ĐT và liên kết bổ trợ. Trong khi đó, chiết khấu là khoản thỏa thuận giữa nhà trường và trung tâm ngoại ngữ.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội |
- Theo phản ánh của phụ huynh, có những trường ở Hà Nội triển khai đến 3 chương trình liên kết tiếng Anh, rất chồng chéo. Ông lý giải thế nào về việc này?
- Với lớp 1 và 2, tiếng Anh chưa có chương trình của Bộ GD&ĐT nên liên kết có mục đích để học sinh làm quen. Từ lớp 3, liên kết mang ý nghĩa bổ trợ vì tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay tập trung chủ yếu hai kỹ năng đọc và viết. Nhiều học sinh Việt Nam từ lâu đã có tình trạng đầu đầy chữ nhưng nghe không hiểu, nói không được.
Vì vậy, từ khi có Đề án Ngoại ngữ 2020, Hà Nội và các tỉnh khác quan tâm hơn đến việc bổ trợ nghe và nói tiếng Anh. Không thể có một trường mà ba chương trình liên kết. Mỗi trường chỉ có nội dung học theo khung của Bộ GD&ĐT và liên kết bổ trợ. Những năm qua, tiếng Anh liên kết đã đem lại những hiệu quả tích cực.
Về sĩ số, học tiếng Anh đúng là càng ít càng tốt. Có những trung tâm dạy không quá 20 học sinh với học phí cao.
Còn với sĩ số đông, khi dự giờ tiếng Anh, tôi thấy người nước ngoài rất có năng khiếu. Khi giáo viên nói, học sinh hưởng ứng nghe, giơ tay tay phát biểu. Tôi không khẳng định 100% học sinh có kết quả tốt như nhau nhưng một chương trình phải có hiệu quả và hợp lý mới có thể tồn tại suốt 10 năm qua.
Với trường hợp phụ huynh mong muốn cho con học nhưng không có điều kiện, các trường sẽ có cơ chế giảm hoặc miễn học phí. Sở GD&ĐT không để tình trạng các cháu có nhu cầu nhưng không được học.
Chiết khấu là khoản thỏa thuận giữa nhà trường và trung tâm tùy thuộc mức độ nhà trường hỗ trợ nhiều hay ít, về cơ sở vật chất, điện nước, bảo vệ, phí quản lý, giáo viên. Tỷ lệ này được công khai minh bạch trong việc thu chi của nhà trường.
Nếu ở lĩnh vực kinh tế, ai cũng có thể suy luận việc nhà trường "bắt tay" trung tâm vì lợi ích phần trăm chiết khấu, thay vì lợi ích của học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc có được con số chiết khấu cần các điều kiện thực hiện.
phụ huynh mong muốn cho con học nhưng không có điều kiện, các trường sẽ có cơ chế giảm hoặc miễn học phí. |
Khi nào sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường cần báo cáo phần trăm, họ sẽ thông báo. Đã có giai đoạn sở đi kiểm tra, các hội đồng nhân dân rà soát việc thu chi sao cho minh bạch, cụ thể, công khai. Con số này được nhập vào hồ sơ kế toán chứ không phải hiệu trưởng đút túi rồi chi. Nếu trường làm sai, giáo viên sẽ kiện.
Về quy trình, trường muốn liên kết đơn vị nào, trước hết phải đảm bảo thống nhất giữa ban giám hiệu. Sau đó, trường họp liên tịch mở rộng giữa hội đồng nhà trường, ban dại diện cha mẹ học sinh để đưa ra những trung tâm nào, có bản dự thảo chương trình, tính hiệu quả và cam kết cho người học ra sao.
Về giá, khi chương trình liên kết mới vào nhà trường, thời điểm năm 2008, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ngồi lại với các trung tâm phân tích tỉ mỉ và đàm phán mức giá phải thấp nhất để nhiều học sinh được tham gia.
Đặc biệt, khi đó, có đơn vị chỉ đưa giá 50.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đó là trung tâm giáo viên người Việt dạy. Sau này, khi triển khai với giáo viên nước ngoài, chi phí cao hơn nên giá như hiện nay đã là giá thấp nhất có thể.
Theo sohuutritue.net.vn