Dừng dạy thêm, học sinh cuối cấp như ngồi trên đống lửa, 'ôn thi thế nào'

(lamchame.vn) - Từ đầu tháng 2 tới nay, nhiều trường học bắt đầu dừng dạy thêm khiến phụ huynh lo lắng, tìm đâu ra lớp học thêm chi phí rẻ, điều kiện tốt như ở trường cho con.

Mức thu tiền học thêm của các trường học trên địa bàn Hà Nội tối đa là 32.000 đồng/tiết.

Năm cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10, anh Phạm Văn Toản (45 tuổi, Thái Bình) đăng ký cho con học thêm tất cả các buổi chiều tại trường. Mức phí học thêm 7.000 - 26.000 đồng/học sinh/tiết, rẻ hơn nhiều so với trung tâm ôn luyện bên ngoài. Chưa kể, gia đình hoàn toàn yên tâm về chất lượng, khi con được học với chính thầy cô trên lớp, những người biết rõ điểm mạnh - yếu của con để kèm cặp sát sao.

“Gửi con đi học thêm ở trường vừa giúp các con có kiến thức, vừa để nhà trường kiểm soát, tránh tụ tập, rủ nhau đi chơi điện tử, dễ bị nhiễm thói xấu. Cùng đó, ở huyện rất khó để tìm trung tâm học thêm uy tín, điều kiện phòng ốc tốt như ở trường. Chưa kể, học phí cũng khiến các gia đình trăn trở", anh Toản nói.

Nam phụ huynh đánh giá, chương trình học của con hiện nay khá nặng. Mỗi tiết học trên trên lớp chỉ có 45 phút không đủ lĩnh hội hết kiến thức, chưa kể thầy cô phải thực hiện nhiều thủ tục như ổn định lớp, kiểm tra bài cũ... Vì thế, muốn thi đỗ vào lớp 10 trường top đầu của tỉnh, ngoài việc cố gắng trên lớp, anh muốn con đi học thêm để tích lũy kiến thức.

Thầy Nguyễn Trung Kiên, giáo viên tại Hà Nội cho hay, khi nhận thông báo về việc trường dừng tổ chức dạy thêm từ học kỳ II, không ít phụ huynh, học sinh lo lắng, đề đạt nguyện vọng thầy cô tiếp tục hỗ trợ ôn luyện tại trường hoặc bên ngoài. Tuy nhiên, thầy cũng như nhiều giáo viên khác buộc phải dừng lại để không vi phạm quy định.

"Dù rất hiểu và thông cảm với nỗi lòng phụ huynh, đặc biệt những gia đình có con học cuối cấp nhưng nếu tiếp tục dạy, chẳng may bị phát hiện, chúng tôi sẽ bị kỷ luật, đình chỉ công tác" , thầy Kiên nói.

Theo thầy, khi việc dạy thêm tại trường bị hạn chế, học sinh chỉ còn cách ra trung tâm bên ngoài học, học phí cao hơn gấp nhiều lần. Chưa kể, việc quản lý, cơ sở vật chất tại nhiều trung tâm không được như trường học. Thế nhưng do nhu cầu học thêm lớn, nhiều phụ huynh vẫn cắn răng, chấp nhận đầu tư cho con.

"Nếu cho dạy thêm mà không được thu tiền học phí học sinh sẽ rất khó duy trì tổ chức ôn luyện tại trường hay tại nhà, bởi ai đi làm cũng cần được trả công xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Chưa kể phần lớn các trường công lập hiện nay không có nguồn thu nào ngoài ngân sách, nên không thể tổ chức dạy thêm miễn phí ", thầy Kiên bày tỏ.

Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT, hiệu lực từ 14/2 quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm:

- Không tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Theo Kim Nhung/VTC

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU