Khởi nghiệp với số vốn gần bằng 0, nhưng bà mẹ trẻ đã xây dựng doanh nghiệp có quy mô gần 20 tỷ đồng sau 5 năm. Huyền còn nhận được đề nghị góp vốn một triệu đôla Mỹ từ Quỹ đầu tư của Singapore.
Với vẻ ngoài ưa nhìn, Nguyễn Ngọc Huyền mong muốn trở thành nhà thiết kế thời trang từ nhỏ. Tuy nhiên, theo ý nguyện của gia đình, Huyền chuyển hướng thi vào ngành Quản trị nhân sự của Đại học Hoa Sen.
Năm nhất đại học, Huyền đã là nhân viên tư vấn, bán hàng cho tập đoàn Cathay. Cô được đề bạt lên vị trí trưởng phòng kinh doanh, khi mới học năm hai. Đây cũng là thời điểm Huyền quyết định bỏ học, với suy nghĩ thực tế cuộc sống mang đến những bài học quý giá hơn sách vở nhà trường.
Trong ba năm làm việc, Huyền thường xuyên giữ vị trí top sale, với mức lương 2.000-3.000 đôla Mỹ mỗi tháng. Cô còn nhận được lời mời về làm việc cho một quỹ đầu tư của Singapore. Tuy nhiên, Huyền quyết định tạm dừng sự nghiệp, khi mang thai đứa con đầu lòng. Cô chia sẻ: "Cả hai vợ chồng mình đều xem việc làm cha mẹ là sự nghiệp trọn đời. Bọn mình muốn dành tất cả cho con". Hai vợ chồng tham gia các khóa học về thai sản, cũng như tìm hiểu loại thực phẩm tốt nhất cho con. Trước quá nhiều thông tin về thực phẩm bẩn trên thị trường, bà mẹ trẻ tìm cách mua trái cây trực tiếp từ nước ngoài về.
"Mình kinh doanh với quan điểm: con gái mình ăn được cái gì thì bán cái đó", bà mẹ trẻ chia sẻ.
Lúc đầu, cô chỉ mua để ăn và biếu cho bố mẹ, anh chị trong nhà. Dần dần, nhiều người quan tâm, Huyền nhập trái cây số lượng lớn hơn, để bán lại cho người quen với kỳ vọng tiền lời đủ ăn trái cây. Nhưng với sự nhạy bén của nhân viên kinh doanh ngày nào, cô nhanh chóng nhận ra đây là thị trường đầy tiềm năng. Và Huyền bắt tay vào hoạch định chiến lược kinh doanh, lên kế hoạch marketing và tổ chức nhân sự. Mia Fruit - công ty kinh doanh trái cây nhập khẩu được đặt theo tên con gái của Huyền ra đời khi cô bước vào tháng thứ 5 của thai kỳ. "Mình kinh doanh với quan điểm là con gái ăn được cái gì thì bán cái đó. Tất cả những gì công ty lựa chọn đề bằng cả trái tim và sự cẩn thận của một người mẹ", cô chia sẻ.
Trái cây nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, Australia, Nhật, Hàn,.. với giá có khi lên đến gần 4 triệu đồng một kg. Huyền xác định, khách hàng tiềm năng của mình chỉ chiếm khoảng 2% dân số cả nước. Tuy nhiên, đây là những người chấp nhận chi rất lớn cho sức khỏe. Trái cây lại là mặt hàng có nhu cầu cao, phải mua hàng tuần. Do đó, thị trường vẫn đầy tiềm năng để phát triển.
Cô nhập từng thùng trái cây về, rồi lấy tiền bán được làm vốn quay vòng nhập hàng. Cô mở một website để bán hàng online và dùng các trang mạng xã hội cũng như uy tín cá nhân để làm marketing. Bán hàng trực tuyến hiện không có gì xa lạ với những startup nhỏ, ít vốn. Song, cách đây 5 năm, kênh bán hàng này còn rất mới mẻ, nhất là với trái cây, mặt hàng mà khách hàng thường phải lựa chọn, cầm lên đặt xuống nhiều lần trước khi quyết định mua. Ngay cả việc tiếp thị qua mạng xã hội, từng bức ảnh, bài viết truyền cảm hứng cũng rất xa lạ tại thời điểm đó.
Bộ máy nhân sự ban đầu khá tinh gọn, gồm một nhân viên bán hàng, một người giao hàng và Huyền. Vào những ngày cuối cùng trước khi sinh, bà mẹ trẻ vẫn còn tất bật với công việc của một giám đốc kinh doanh kiêm chuyên viên marketing và social media. "Mình bị bệnh tim nên bác sĩ yêu cầu sinh mổ. Ngày mai mình đi mổ nhưng hôm nay vẫn còn ôm thùng táo đi giao cho khách", Huyền kể về những ngày đầu khởi nghiệp.
Huyền tham gia phiên đấu giá trái cây tại Nhật Bản trong năm 2017.
Nhưng vừa bước vào thị trường, Mia Fruit vấp phải đợt khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng, do thời điểm đó nhan nhản các thông tin về thực phẩm bẩn. Gần như câu hỏi đầu tiên của mỗi khách hàng khi gọi cho doanh nghiệp là: "Liệu có phải trái cây Trung Quốc không?". Ngoài ra, mặt hàng hoa quả thường có chất lượng biến động theo từng thời điểm. Nhiều khách hàng mua trái cây vào cuối mùa thấy chất lượng không bằng giữa mùa, thì gọi lại chê trách công ty làm ăn thiếu uy tín. "Bên mình rất nhiều khách hàng khó tính. Mình bán trái cây mà thường xuyên mất ngủ", Huyền chia sẻ.
Để giảm rủi ro, Huyền chỉ nhập khẩu trái cây loại một, tức hàng đã được sàng lọc cẩn thận. Bên cạnh đó, cô tìm cách rút ngắn tối đa thời gian từ khi trái được thu hoạch đến tay khách hàng. Thông thường, trái cây nhập khẩu qua đường tàu, nên phải mất ít nhất là một tháng mới cập cảng Việt Nam. Sau đó, trái cây được chuyển về kho lạnh tại các chợ đầu mối, trước khi đưa vào siêu thị hoặc cửa hàng bán lẻ. Do đó, hoa quả khó giữ hương vị, hoặc dễ hư hỏng.
Huyền tìm đến các trang trại trồng cây ăn quả của đối tác nhập khẩu, học hỏi giải pháp giữ trái cây tươi ngon mà không cần sử dụng đến chất bảo quản. Cô phát hiện, mỗi loại trái cây chỉ giữ hương vị tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nhất định. Chẳng hạn, táo bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ từ -2 độ C đến 2 độ C. Huyền đầu tư kho lạnh có thể điều chỉnh các vùng lạnh khác nhau, phù hợp với mỗi loại trái cây. Thay vì đường tàu biển, cô nhập trái cây về qua đường hàng không. Nhờ đó, quy trình từ khi trái cây xuất khẩu đến khi khách hàng được nhận tại doanh nghiệp cô rút ngắn xuống còn 4-5 ngày.
Để xóa bỏ sự nghi ngại của khách hàng, Huyền học hỏi mô hình của Nhật, mở những cửa hàng trái cây tại vị trí đắt địa của thành phố Hồ Chí Minh. Các cửa hàng này không nhằm mục đích bán hàng, mà để trưng bày sản phẩm. Hoa quả được bày trí sang trọng trong khung kín, tương tự như các món hàng trang sức. Khách hàng thường đến đây để kiểm chứng, và sau đó, những câu hỏi "Liệu có phải trái cây Trung Quốc?" dần biến mất. Hiện tại, 90% doanh thu bán hàng vẫn đến từ kênh online.
Sau 5 năm, quy mô doanh nghiệp của Huyền đạt gần 20 tỷ đồng, và đang nhận được lời đề nghị góp vốn một triệu đôla Mỹ từ một Quỹ đầu tư của Singapore. Cô đang có khoảng 90.000 khách hàng, với gần 50% trong số đó là khách hàng trung thành. Đây là những người đặt mua trái cây hàng tuần, với hóa đơn dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Cô cũng phát triển mạng lưới đại lý tại một số địa phương như Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ... Bà mẹ trẻ còn đang lên kế hoạch Bắc tiến, để nhắm đến giới nhà giàu tại Đà Nẵng, Hà Nội.
Chưa dừng ở đó, Huyền bắt đầu nghĩ đến việc sẽ tuyển chọn và xuất khẩu trái cây Việt Nam đạt chuẩn ngược trở lại các thị trường đã nhập khẩu. Cô đang bước những bước đầu tiên bằng cách xây dựng mạng lưới cung cấp nguyên liệu đủ uy tín và làm ăn nghiêm túc. Ước mơ của Huyền là xây dựng một sàn giao dịch trái cây quốc tế online. Trong đó, Mia Fruit đóng vai trò trung gian, tuyển chọn, kiểm định chất lượng rau quả Việt Nam và đưa lên sàn những sản phẩm đạt chuẩn. Dựa trên các thông tin trên sàn này, khách nước ngoài sẽ đấu giá hoặc đặt mua.
Mỗi lần công tác nước ngoài, cô tranh thủ mang theo vài quả xoài, chuối, dừa hay chôm chôm Việt Nam, được tuyển chọn từ những nhà vườn đạt chuẩn Global Gap, để mời đối tác dùng thử. Tất cả đều trầm trồ khen ngon, hương vị không lẫn vào đâu được. Đây là cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp Huyền dần tạo niềm tin và sự yêu thích của khách quốc tế với hoa quả Việt Nam. "Việt Nam mình không thiếu những loại trái cây ngon. Nhưng cách trồng trọt đã khiến hình ảnh trái cây Việt Nam trong mắt khách hàng nước ngoài bị méo mó. Mình sẽ bắt đầu từ khâu xây dựng hình ảnh. Con đường đi không dễ, nhưng mình tin mình sẽ làm được", Huyền chia sẻ.