Kỳ 1 - Đường đi lắt léo
Trong khi đường dây sản xuất ma túy khủng nhất nước do Văn Kính Dương đưa ra xét xử thì lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá thêm nhiều đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào TPHCM.
Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã có hơn 3 tấn ma túy các loại được thu giữ. TPHCM những năm gần đây được cho là điểm tập kết của ma túy trước khi đi các nơi tiêu thụ.
Ðiểm mặt khu Tam giác vàng
Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm, lực lượng công an bắt gần 20.000 vụ ma túy lớn nhỏ.
Từ cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ ma túy có số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Sơ bộ các chuyên án lớn đã thu tới hơn 3 tấn ma túy các loại và hơn 1.000 bánh heroin.
Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, số vụ ma túy bị triệt phá trong thời gian qua có nguồn ma túy xuất phát từ bên ngoài Việt Nam.
Cụ thể, ma túy được tuồn vào trong nước từ khu vực Tam giác vàng (Myanmar). Một phần nhỏ chỉ để sử dụng tại chỗ, phần lớn đưa ra nước thứ 3 tiêu thụ.
Để đưa được “cái chết trắng” vào Việt Nam, các đối tượng cầm đầu người nước ngoài móc nối với đối tượng trong nước trực tiếp nhập lậu, “cổng hàng” từ khu vực vùng biên vào.
Theo tài liệu của phóng viên Tiền Phong có được, các tổ chức quốc tế xác định, có 250 tấn ma túy đá với gần 3 tỷ viên ma túy tổng hợp xuất phát từ khu vực Tam giác vàng mỗi năm. Khu vực Tam giác vàng hàng năm cũng tiêu thụ tới 3.000 tấn hóa chất các loại phục vụ việc sản xuất ma túy.
Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đánh giá, khu vực Tam giác vàng hiện là đầu mối sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới.
Trong vùng Tam giác vàng, Myanmar được mệnh danh là “thủ phủ ma túy” của thế giới. Trong đó, bang Shan được mệnh danh là đầu não sản xuất ma túy đá.
Nói về mối đe dọa lớn từ khu vực Tam giác vàng này, đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đánh giá, do hoạt động sản xuất ma túy tại khu vực Tam giác vàng tiếp tục gia tăng khiến cho tình hình trong nước cũng hết sức phức tạp.
Cung cầu ma túy không chỉ lớn ở trong nước mà còn cả quốc tế vì Việt Nam nằm trên đường trung chuyển đó. Vậy nên vừa qua, các lực lượng chức năng đã rất quyết tâm để phá gỡ các đường dây nhưng để trả lời, lượng ma túy kiểm soát được hết chưa cũng là cả một vấn đề.
Phần lớn ma túy được ngụy trang rất tinh vi. Ảnh: Văn Minh
Ngụy trang dưới vỏ bọc tinh vi
Xác định Việt Nam có nguy cơ trở thành nơi trung chuyển ma túy xuyên quốc gia, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy “khủng” có nguồn hàng từ khu Tam giác vàng tuồn vào.
Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04-Bộ Công an) nhấn mạnh, các vụ án ma túy quy mô lớn vừa qua bị triệt phá đã chặt đứt các mắt xích trong những đường dây ma túy xuyên quốc gia do các đối tượng nước ngoài cầm đầu móc nối với đối tượng trong nước.
Thực tế các đối tượng buôn ma túy lấy nguồn hàng từ khu vực Tam giác vàng phân phối đi khắp các cửa ngõ khu vực biên giới, hòng tìm cách tuồn ma túy vào nội địa.
Số ma túy được tuồn vào không chỉ qua các con đường thẩm lậu ở khu vực vùng biên, mà còn ngụy trang dưới dạng hàng hóa hết sức tinh vi, qua mắt cơ quan chức năng.
Trực tiếp chứng kiến tháo mở niêm phong lô hàng ma túy ketamine (500kg) mà C04 và Cục hải quan TPHCM bắt được hồi đầu tháng 5/2019 mới thấy được mức độ tinh vi của các đối tượng tội phạm ma túy.
Các đối tượng đưa số ma túy cùng các máy ép bao bì “vượt biên” vào Quảng Ninh. Sau đó giả dạng các xe tải chở hàng hóa để lần lượt vượt quãng đường dài gần 2.000km vào tập kết ở một kho trên địa bàn TPHCM.
Tại kho hàng các đối tượng thuê để làm “đại bản doanh” rất kín đáo. Từ đó, số ma túy nguyên chất (ketamine) được biến hóa thành dạng lỏng cho vào các túi nilon. Những chiếc máy ép bao bì được tháo ra, nhét số ma túy vào.
Công đoạn cuối cùng là các đối tượng hàn xì máy ép lại, chờ ngày xuất đi nước ngoài tiêu thụ thông qua việc trà trộn vào những lô hàng hóa khác.
Một hình thức ngụy trang khác tinh vi nữa trong vụ Công an TPHCM phát hiện hơn 1 tấn ma túy được tuồn vào địa bàn qua con đường chuyển phát nhanh.
Cụ thể số ma túy đá này ngụy trang khá tinh vi trong các thùng loa kẹo kéo, được chuyển phát nhanh từ Thái Lan vào Việt Nam. Khi vào đến nội địa, các đối tượng thuê nhà kho vắng vẻ để tập kết, chờ ngày xuất sang nước thứ 3 tiêu thụ.
Trong vụ án này, khi Công an TPHCM bắt giữ một lô hàng cất giấu trong ô tô tải, chủ lô hàng ở Thái Lan đã vội vã thông báo phải hủy toàn bộ số lô hàng còn lại trong kho của công ty vận chuyển Ngọc Vân (TPHCM).
Tuy nhiên, Công an TPHCM đã nhanh chóng tiến hành khám xét khẩn cấp kho này phát hiện hàng chục thùng loa kẹo kéo chứa ma túy bên trong.
Ông Huỳnh Nam, Đội trưởng Đội kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan TPHCM) cho biết thêm, thời gian qua cơ quan chức năng Việt Nam đồng loạt chặn bắt, triệt phá nhiều vụ vận chuyển ma túy giấu trong hàng hóa, nên hiện nay thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm ma túy là chuyển sang vận chuyển chất lỏng, giấu vào các loại máy móc để qua mặt cơ quan chức năng.
Từ đó, số ma túy được xuất lậu qua nước thứ 3 theo ý đồ của các đối tượng.
(Còn nữa)
Nói về thủ đoạn mới của loại tội phạm này, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy thường ngụy trang dưới dạng hàng hóa là đóng gói bao bì các loại trà, cà phê, hạt nhựa, block linh kiện điện tử, bỏ vào thùng loa kẹo kéo…
“Các đối tượng lợi dụng địa bàn Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng để trung chuyển ma túy đi các nước, chủ yếu thông qua xuất nhập hàng hóa từ Lào, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam, sau đó chuyển sang vận chuyển đường biển sang nước thứ 3”, ông Quang nói.
Theo Trí thức trẻ