Nhiều phụ huynh lo lắng về việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Vấn đề phụ huynh quan tâm nhiều nhất đó tính an toàn của vắc-xin đối với trẻ nhỏ trong tương lai.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn – Viện nghiên cứu Garvan, Úc, trong những ngày qua ông cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi trên về việc có nên tiêm hay không. Quan điểm của GS Tuấn là nên tiêm.
Thứ nhất, trong trận dịch vừa qua ở TPHCM, 14% tổng số ca nhiễm xảy ra ở trẻ em từ 0-17 tuổi, tức là khá nhiều. Đã có gần 80 trẻ em trong tuổi này chết vì Covid-19 và đó là con số khá cao so với thế giới. Việc tiêm vắc-xin cho nhóm tuổi này phải căn cứ vào các bằng chứng khoa học và cân nhắc giữa lợi ích với rủi ro.
Thứ hai, hiện nay có nhiều bằng chứng cho thấy vắc xin có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 ở trẻ trong nhóm tuổi từ 5 đến 11 tuổi. Thử nghiệm RCT ở nhóm tuổi này cho thấy vắc xin mRNA ngăn ngừa 90% nguy cơ nhiễm.
Vắc-xin Covid-19 có hiệu quả trong bảo vệ trẻ trước Covid-19.
Trẻ em bị Covid-19 có nguy cơ nhập viện, tử vong, mắc hội chứng viêm MIS-C và vài vấn đề thần kinh (gọi là ‘long covid’). Trẻ em tiêm vắc-xin có rủi ro bị viêm cơ tim nhưng đều rất nhẹ. Đưa những lợi ích và nguy cơ đó lên bàn cân thì lợi ích rõ ràng là cao hơn rủi ro.
Thứ ba, ở Mĩ, sau 8,7 triệu liều thì chỉ ghi nhận 11 ca viêm cơ tim và tất cả đều nhẹ. Số liệu ở Úc cho thấy trong 657.000 liều vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi, chưa ghi nhận ca viêm cơ tim nào cả.
Dựa vào các con số trên, GS Tuấn khuyến cáo các bậc phụ huynh nên tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tới 11 tuổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Bộ Y tế cho biết, đến nay, WHO cũng khẳng định tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi là điều cần thiết. Mặc dù những biến chứng liên quan đến Covid-19 không nhiều như nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài của bệnh lên nhóm tuổi này đã được khẳng định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong tương lai. Vì vậy, các chuyên gia khẳng định cần tiêm cho trẻ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.
Tại Việt Nam, TS Thái cho biết, số trẻ em nhiễm Covid-19 sẽ tăng lên. Tại các bệnh viện nhi, số trẻ phải điều trị tích cực, điều trị kéo dài tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương có hàng trăm trường hợp nặng, nhiều trẻ phải thở máy.
Đây là con số giúp các bậc phụ huynh hiểu rằng trường hợp trẻ nhiễm nCoV không còn hiếm nữa. Nếu trong thời gian tới khi mở cửa cho trẻ đi học trở lại thì số ca nhiễm sẽ tăng lên rất nhiều. Lúc đó, số trẻ phải điều trị tích cực có thể sẽ tăng lên hàng trăm ca thậm chí hàng nghìn ca.
TS Thái cho biết, đến nay đã có 44 quốc gia triển khai tiêm vắc-xin cho đối tượng trẻ từ 5-11 tuổi, liều lượng tiêm cũng thấp chỉ bằng 1/3 so với người lớn và trẻ trên 12 tuổi. Điều TS Thái lo ngại nhất là phản ứng về tâm lý sau tiêm vắc-xin.
Ở giai đoạn dậy thì, trẻ hay có rối loạn về cảm xúc, khó phân biệt với tình huống phản ứng do vắc-xin, có thể gây hiểu lầm thành phản ứng do vắc-xin. Bộ Y tế đã tiến hành tập huấn để tránh nhầm lẫn giữa hai loại phản ứng này. Việc tập huấn kỹ càng trong thời gian qua đã hạn chế rất nhiều sự nhầm lẫn như vậy.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/giao-su-nguoi-viet-tai-uc-3-ly-do-de-tiem-vac-xin-covid-19-cho-tre-5-den-11-tuoi-161221602100805794.htm
Theo ttvn.vn