Giữa tâm dịch Covid-19, khi nào F2 được giải phóng?

Nếu xét nghiệm F1 âm tính thì F2 được giải phóng. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều người hoang mang vì F3 vẫn còn dương tính trở thành F0 thì F2 sẽ thế nào?

Chuỗi F hình thành như thế nào?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – BV Nhi đồng 1, TP HCM chuỗi F đầu tiên là F0. 

F0 là người mang virus có khả năng lây lan virus ra cộng đồng.

F1 là người tiếp xúc gần với F0 có khả năng là F0 hoặc sẽ là F0 (trong thời gian ủ bệnh). Nhưng cũng có những người F1 không thành F0 vì chưa bị lây virus.

F2 tiếp xúc F1. 

Tại TP HCM xuất hiện nhiều F3 trở thành F0, bác sĩ Khanh cho biết nếu khi F3 dương tính thì F2 chắc chắn sẽ dương tính. Hiện, các ca bệnh F3 thành F0 ở TP HCM đều xác định F2 dương tính virus đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm, người dân không nên quá hoang mang lo lắng việc F3 thành F0.

Còn trường hợp nếu khi F2 âm tính, mà F3 lại dương tính thì có thể là do lây từ nguồn khác.

BS Khanh cho biết, việc đặt chuỗi F để đánh giá nguy cơ nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ người tiếp xúc với người bệnh là F1 chắc chắn có thể lây và tương tự người thứ hai, thứ ba yếu tố lây sẽ giảm hơn. Còn ở nước ngoài họ không phân F vì quá nhiều ca mắc.

Mục đích đặt F để không lây lan nhiều hơn, người trong chuỗi F có nguy cơ mang virus được ưu tiên cách ly, dễ khoanh vùng hơn.  BS Khanh cho rằng chúng ta chỉ cần quan tâm tới F2 là đủ. Nếu bạn là F2 có thể rơi vào các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, nếu F1 âm tính lần 1 thì F2 không thể bị lây nên hiện tại quy định mới là F1 âm tính thì F2 được giải phóng.

Trường hợp thứ hai, trong lúc cách ly nếu F1 chuyển sang dương tính có thể lúc trước có virus nhưng chưa phát bệnh nên F2 cũng không có khả năng lây nhiễm, không có khả năng lây lan virus cho cộng đồng. Lúc này F2 chỉ cần theo dõi sức khoẻ của mình, tuân thủ 5K.

Trường hợp thứ 3, xét nghiệm lần 1 F1 dương tính thì F2 sẽ phải vào cách ly tập trung. Vì vậy, nếu bạn nằm trong chuỗi F2 cần theo dõi thông tin từ F1.

Còn trường hợp F1 âm tính, F2 dương tính thì khả năng cao đó là F2 lây từ nguồn khác. Lúc này cần theo dõi thêm nguồn dịch mới – BS Khanh nói.

Hình ảnh di chuyển công nhân trong khu cách ly ở Bắc Giang.

Người vùng dịch tễ cần làm gì?

Đối với các trường hợp không thể xác định bạn là F mấy khi không có tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 nhưng ở vùng dịch tễ, thì cần khai báo y tế khi di chuyển qua khu vực khác hoặc khi có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở...

Đến thời điểm này Việt Nam chủ động việc xét nghiệm Covid-19 vì chúng ta đã có nhiều cơ sở xét nghiệm khẳng định và đủ test kit. Đặc biệt năng lực xét nghiệm của TPHCM là rất tốt, chúng ta thực hiện xét nghiệm có chỉ định trên diện rộng tất cả những trường hợp Covid-19 để cách ly, tránh lây lan.

Để dập tắt được dịch tại TP HCM, bác sĩ Khanh cho rằng cần chặn chuỗi lây virus, thực hiện nghiêm 5 K. 

Hiện nay, có thể những trường hợp ở những ổ dịch khác lây lan trong cộng đồng mà không phát hiện được vì có nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ mà người dân không khai báo, không đến trạm y tế, không phát hiện ra và có thể lây lan.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/giua-tam-dich-covid-19-khi-nao-f2-duoc-giai-phong-161210806111808786.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU