Một tiết học thực hành tại trường THCS Tiến Thịnh. Ảnh: VnExpress
Thừa nhận con có lực học trung bình khá nhưng phụ huynh này cho biết nguyện vọng của chị và con là được tham gia thi vào lớp 10 cho dù đỗ hay trượt. “Con thi một lần và nỗ lực hết sức xem khả năng đến đâu, sau đó, có trượt cũng không hối hận. Thi vào lớp 10 là quyền của các con tại sao nhà trường lại áp đặt và không phát cho con phiếu đăng ký dự tuyển?”, phụ huynh đặt câu hỏi.
Theo VnExpress, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho hay đã nhận được phản ánh về sự việc. Học sinh chưa đăng ký, nếu có thể do công tác phân luồng, tuyên truyền chưa đúng, và muốn dự thi thì Sở sẽ xem xét cho đăng ký bổ sung để đảm bảo tối đa quyền lợi.
"Sở đang hướng dẫn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh rà soát, báo cáo", , ông Tuấn nói đồng thời khẳng định sự việc tại trường THCS Tiến Thịnh là cá biệt. Những năm qua, Sở nhiều lần yêu cầu các trường không vận động hoặc ép thí sinh bỏ thi lớp 10, bởi đây là quyền lợi của các em. Ngoài ra, Sở không tính thi đua hay xếp loại trường, giáo viên theo tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10.
Năm nay, trong 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS ở Hà Nội, khoảng 106.500 em đăng ký thi lớp 10, vào ngày 8-9/6. 127 trường THPT công lập đáp ứng khoảng 81.000 chỗ, tư thục 30.000. Các em khác có thể vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc trường nghề.
Tuần trước, trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP. HCM cũng gây xôn xao khi giáo viên phát đơn tự nguyện không thi lớp 10 cho học sinh. UBND huyện kết luận việc này là sai.
Tại Nghệ An và Bắc Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương thực hiện đúng chủ trương phân luồng, không ngăn cản học sinh thi lớp 10, sau khi có phụ huynh bức xúc vì con được hướng sang học nghề.