Những ngày hè đầu tháng 8, cha mẹ đưa đón con đến cổng trường thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 làm thủ tục dự thi. Ở cái tuổi 18 ấy, ai cũng hiểu sĩ tử nào cũng đủ khả năng tự đi xe đến. Nhưng ai trong chúng ta từng trải qua thời học sinh được bố mẹ đưa đi thi đều hiểu, trong những giây phút căng thẳng này chỉ cần nhìn bóng hình người thân là đủ vững tâm hơn rất nhiều.
Ngày đầu tiên đi học, cha mẹ đưa con đến cổng trường và cũng ngày kết thúc, chính họ dắt sĩ tử đi thi. 12 năm đèn sách kết thúc nhanh như cái chớp mắt, dù cha mẹ có từng rơi rớt trên quãng đường đến trường thì với con cái, 12 năm khôn lớn và ăn học nhất định phải thành công cho bằng bạn bằng bè.
Thời gian dần qua, nhiều sĩ tử tự đi xe đến trường hoặc bắt xe ôm công nghệ đến đón. Vài ý kiến lại nổi lên rằng "cha mẹ đưa con đến trường, ngồi cả buổi ở cổng" là khổ quá. Nhưng quả thật, việc đưa con đến trường thi đã trở thành một ý niệm, một quy tắc bất di bất dịch trong nhiều gia đình. Họ sẵn sàng gánh cái khổ đó, để không phải ở nhà lăn tăn suy nghĩ "lỡ con cháu không thấy mình ở cổng trường thì tủi thân lắm".
Người cha lo lắng dõi theo con vào cổng trường thi.
Dù chỉ là một buổi nghe quy chế, tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng dõi theo con vào tận cửa phòng rồi mới an tâm đi tìm chỗ nghỉ chân.
Rất đông cha mẹ đứng chờ con ở ngoài điểm trường thi.
Lang thang ở điểm trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), chúng tôi nhặt nhạnh được những câu chuyện về những người đứng đằng sau sự thành tài của sĩ tử.
Cô Minh Huyền, phụ huynh của một nữ sinh trường THPT Nguyễn Trãi cho biết con gái mình định thi vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Nhà quê gốc ở Hòa Bình nhưng vì muốn tạo điều kiện tốt nhất nên nữ sinh được mẹ hướng học trường cấp 3 ở thủ đô. Những ngày này, cả nhà thuê luôn phòng nghỉ ở với cô con gái để an tâm tinh thần.
"Lo lắm chứ, dịch làm con mình cứ nghỉ hoài, nghỉ hoài. Nhiều đêm bật dậy thấy con vẫn chong đèn 2-3 giờ sáng ôn thi. Nguyên một tháng liền con đều ngồi ôn như thế lo ảnh hưởng tâm lý lắm, thời gian đó thỉnh thoảng em cũng cáu gắt với cha mẹ. Cô chú đêm về chợp mắt tí thôi, chứ ngủ nghê gì khi con mình chưa yên giấc".
Không biết có phải vì mang theo quá nhiều bận tâm không mà dù chỉ đi nghe quy chế thi, cô cứ đứng ngồi không yên trước cổng trường, đợi con đi vào trong phòng mới yên tâm ngồi ghé quán nước. Đó cũng là cách cô giải thích: "Con bé hay bị tâm lý, sáng nay cứ lẩm nhẩm vẫn chưa ôn được nhiều mà đã đến kỳ thi rồi".
Thời tiết ẩm ương lúc nắng lúc mưa cũng không ngăn được bóng hình cha mẹ đứng ngoài cổng trường đợi con.
Cha mẹ có thể vất vả nhưng con nhất định phải học hành thành tài, để "đừng như bố mẹ rồi khổ!".
Kỳ thi năm nào cũng căng thẳng, nhưng dường như cha mẹ thời nay tâm lý hơn rất nhiều với con. Họ hiểu rằng trường đại học cũng chỉ là một con đường, miễn sao con cái hạnh phúc với kết quả thi của mình là được. Thế mới thấy, cha mẹ bây giờ không chỉ thương con mà còn hiểu con bằng sự thấu cảm và sáng suốt.
Một phụ huynh có con là nam sinh Nguyễn Thành Đạt (trường THPT Thực Nghiệm) tâm sự: "Đại học thì bây giờ có nguyện vọng 1, nguyện vọng 2... đăng ký nhiều trường nên trong thi cử nếu em đỗ trường nào thì học trường nấy. Đại học mà không được thì học nghề, học trường này trường kia chứ đâu chỉ đại học mới là con đường duy nhất. Gia đình cũng không ép là con phải thế này thế kia, nhưng cũng do môi trường học tập, từ trên trường cho đến truyền hình, học online rồi tự học suốt mùa dịch".
Thực chất chú cũng không mong con phải thế này thế kia, chỉ biết động viên thi đúng thực lực của mình, không phải lo ăn thua được hay không được. Ra đời lập nghiệp cũng không phải đi theo con đường duy nhất mà phải biến hóa nhiều cái khác nhau".
Đứng gần đó, chú Thành có con đang theo học ở trường THPT Phan Đình Phùng cũng tán thành quan điểm: "Gia đình không hướng bạn theo con đường nào nhưng chỉ bảo là tránh học Y vì thân con gái mà học 7-8 năm trời vất lắm. Mong mỏi con theo học Sư phạm giống mẹ, cũng nhàn hơn mà bạn vẫn khăng khăng với con đường lựa chọn duy nhất của mình.
Mấy bữa nay nhìn mấy đứa hàng xóm cũng nghỉ học mà con mình vẫn thức đêm thức hôm học thêm xót lắm. Con mình học cả năm trời rồi nên cô chú không dám đặt nặng áp lực lên bạn, cũng chẳng mong được thành ông nọ bà kia, miễn sao có được cái nghề mà tự nuôi sống mình là được".
Sự kỳ vọng của cha mẹ nhiều khi quá cao, nhưng tất cả cũng xuất phát từ nỗi lo cơm áo gạo tiền mai này của con cái.
Thức trắng đêm vì câu chuyện cá chép hóa rồng hay không nên trong lúc đợi con, nhiều bậc phụ huynh tìm chỗ có bóng mát rồi vô tư ngồi bệt lên một chiếc dép ngủ ngon lành. Dù chỉ là một buổi nghe quy chế thi nhưng với nhiều người, trận chiến của con đã bắt đầu. Giấc ngủ của họ vì thế cũng chập chờn, phần vì nắng nóng, phần vì lo lắng không biết ngày mai con làm bài ra sao.
Hơn hết, cha mẹ nào cũng mong con mình được "như ý", như toàn tâm mong muốn của con, chứ không phải theo con đường vạch ra của cha mẹ, là họ vui và hạnh phúc rồi. Vậy nên mong sĩ tử nhớ rằng, vẫn luôn có bóng hình cha mẹ ở ngoài cổng trường dõi theo. Hãy cứ làm cố hết sức mình, rồi bao nhiêu vui buồn thế nào, luôn có cha mẹ ở ngoài chờ lo.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/hinh-anh-phu-huynh-ngoi-bet-duoi-dat-mon-moi-ngong-trong-vao-phong-thi-ket-qua-co-ra-sao-van-luon-co-cha-me-o-day-215951
Theo ttvn.vn