Học sinh có thể "nghĩ quẩn" nếu bị giáo viên bạo lực tinh thần

(lamchame.vn) - Trong vụ 231 cái tát gây chấn động dư luận vừa rồi, thật may mắn là sự việc đã nhanh chóng được công chúng phanh phui, và nạn nhân – e N. - hiện cũng đang dần ổn định lại tinh thần. Nhưng trong quá khứ, có rất nhiều hệ lụy đau lòng đã xảy ra khi học sinh phải âm thầm chịu đựng những chiêu “tra tấn” tinh thần của giáo viên. Nghiêm trọng hơn, đã có trường hợp “nghĩ quẩn” tự tử vì xấu hổ với bạn bè.

231 cái tát: Hơn cả nỗi đau về thể xác

Mới đây, cộng đồng phẫn nộ trước sự việc một cô giáo ở Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) đã “chỉ đạo” học trò của mình tát một em trong lớp đến 230 cái. Theo như điều tra ban đầu, cô giáo này có tên Nguyễn Thị Phương Thủy, lý do cô áp dụng hình phạt “man rợ” là do em N. bị một bạn khác tố đã nói tục.

Trước đó, trong giờ học nhạc, có một bài hát đề tác giải là “Dân ca Thanh Hóa”. Bạn ngồi bên cạnh N. có mẹ tên Thanh, nên em N. đã cố tình đọc to cụm từ “dân ca Thanh”, còn chữ cuối “hóa” thì đọc nhỏ và ngắt quãng ra để trêu bạn. Sau khi được bạn kia tố lại, cô Thủy chưa kịp điều tra, suy xét thì đã ra lệnh ngay cho cả lớp 23 bạn, mỗi bạn tát em N. 10 cái. Tàn nhẫn hơn là cô còn đưa “chỉ thị” phải tát đủ và mạnh, nếu cô quan sát thấy ai tát thiếu hoặc yếu thì bị  “ăn” tát lại.

Đỉnh điểm là khi em N. “lãnh” đủ 230 cái tát như trời giáng, vì đau quá nên có chửi thề, liền bị cô Thủy tát bồi thêm 1 cái “trời giáng” khiến em ngất xỉu, phải nhập viện trong tình trạng sưng mặt, đau hàm, mở khẩu hình miệng khó khăn.

Nhưng những vết thương thể xác đó chắc chắn sẽ không thể nào lớn bằng san chấn tinh thần mà cô Thủy gây ra cho em N. Mẹ em N cũng có nguyện vọng là em N. sẽ chuyển lớp hoặc cô Thủy phải chuyển trường.

Học sinh có thể “nghĩ quẩn” khi bị sỉ nhục, lăng mạ, bêu rếu trước trường lớp

Học sinh là lứa tuổi còn đang phát triển và học hỏi, chưa có đủ trải nghiệm để có thể suy nghĩ một cách chín chắn. Chính vì vậy, đây là lứa tuổi nhạy cảm và bồng bột nhất. Bất cứ những tổn thương tinh thần nào cũng sẽ dễ dẫn đến những suy nghĩ không “thông” và “nghĩ quẩn”.

Việc giáo viên áp dụng những chiêu trừng phạt tinh thần như: bêu tên trước trường, trước lớp; ra lệnh cho các bạn học khác phạt; cười nhạo lỗi lầm; phạt những hình phạt công khai như quỳ trước lớp,… đều sẽ để lại những tổn thương về lòng tự ái của các em. Các em sẽ cảm thấy “mất mặt”, tự ái, xấu hổ, tủi thân và tự dằn vặt mình.

Những chiêu trừng phạt tinh thần như: bêu tên trước trường, trước lớp; ra lệnh cho các bạn học khác phạt; cười nhạo lỗi lầm; phạt những hình phạt công khai như quỳ trước lớp,… đều sẽ để lại những tổn thương về lòng tự ái của học sinh

Đã có trường hợp học sinh tự tự vì bị phạt trước lớp. Sự việc đau lòng xảy ra vào năm 2013 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nạn nhân là một em học sinh lớp 5, vì bị cô giáo bắt chép phạt 1000 lần câu “xin lỗi cô”, quá xấu hổ với bạn bè và ức chế tâm lý, em đã nhảy từ lầu 30 tự tử. Tại Việt Nam vào năm 2016 cũng xảy ra sự việc tương tự khi một nữ sinh cấp 2 đòi tự tử vì cô giáo cho cả lớp bêu xấu, sỉ nhục mình. Theo đo em KL thường xuyên bị cô giáo dạy bộ môn Văn tên Ny, dùng những lời lẽ khó nghe để nói về mình. Nhiều lần cô còn sỉ nhục em L. là đồ khùng điên, lấy em tra làm trò cười cho cả lớp. Cô còn thường xuyên cố tình gọi em lên trả bài rồi cho điểm 1 để cả lớp được trận cười.

Nghề nhà giáo là nghề cao quý, thầy cô là những người đi trước có nhiệm vụ dẫn dắt, chỉ đường cho các học trò. Nhưng những “vết nhơ” ngành giáo dục vừa qua sẽ là dịp để các thầy cô, nhà trường và phụ huynh rà soát lại một lần nữa trách nhiệm của giáo viên, tránh những sự việc đau lòng xảy ra. Kinh nghiệm về tuổi đời lẫn tuổi nghề đã trao cho giáo viên nhiệm vụ dìu dắt các thế hệ học trò. Nhưng “dìu dắt” không có nghĩa là thầy cô có thể tự cho mình quyền phán xét và trừng phạt khi chưa có bất kỳ căn cứ chính xác nào. Các em học sinh cũng có nhân phẩm và cũng cần được tôn trọng. Các em cũng có nhu cầu được đối xử văn minh, được quyền giãi bày và phản biện như một người trưởng thành.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU