50 ngày sát cánh cùng TP.HCM, vượt qua thời khắc lịch sử, nhờ có sự hỗ trợ hết mình của các chiến sĩ, bộ đội đến từ nhiều đơn vị trên cả nước, TP.HCM đã dần hồi phục và có tín hiệu khả quan
Dù khoảng thời gian qua có nhiều bỡ ngỡ, nhưng họ đã để lại trong lòng người dân TP.HCM bao kỷ niệm đẹp về tình quân dân
"Bộ đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Đến với dân, được dân tin tưởng và yêu quý"
Trước thời khắc chia xa, không ít học viên Học viện Quân y tại Trung đoàn Gia Định cảm thấy bồi hồi và tiếc nuối
Bạn Nguyễn Văn Lâm, học viên của học viện đã chia sẻ những cảm xúc của mình
"Rất nhiều cảm xúc. Đầu tiên rất vui vì hoàn thành được nhiệm vụ của cấp trên giao phó. Thứ hai, cũng hơi buồn vì sau một thời gian làm việc ở đây, tình cảm của mọi người vô cùng thân thiết. Trong quá trình làm việc cũng như cuộc sống, mọi người cũng thường xuyên tâm sự, giúp đỡ, có rất nhiều kỷ niệm.
Sau quá trình đi công tác, mình đã có rất nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm, giống như một chuyến thực tập sớm. Đây là một bài học quý giá mà không phải cuộc đời sinh viên y nào cũng có được" - bạn Lâm chia sẻ.
Tình cảm gắn bó thân thiết
Lâm chia sẻ, tình cảm giữa mọi người là điều khiến bạn nuối tiếc nhất khi rời khỏi đây: "Ngay từ những ngày đầu bước chân vào, mọi người rất thân thiện và ấm áp. Bọn mình trong ngành quân đội rất ít về nhà, đã rất lâu bọn mình chưa về nhà. Khi vào đây nhận được tình yêu thương của mọi người, bọn mình cũng bớt đi nỗi nhớ gia đình. Người Sài Gòn rất dễ thương và nhiệt tình, hiếu khách. Đó là những điều mình được trải nghiệm, được sống ở đây. Sau một thời gian công tác, dịch bắt đầu ổn, các khu phố được dỡ phong tỏa, hàng quán mở trở lại. Sài Gòn cũng dần khỏe lại. Bọn mình rất vui vì có thể đóng góp vào đó".
"Do đợt dịch vừa rồi khá căng thẳng nên chưa thể đi thăm thú ở đâu để biết thêm Sài Gòn. Sài Gòn đang dần bình thường trở lại. Mình rất mong có dịp quay lại đây để thấy một Sài Gòn khỏe mạnh" - Lâm bày tỏ mong muốn quay trở lại Sài Gòn khi thành phố trở lại nhịp sống bình thường.
Lâm cũng cho biết, khi vào Sài Gòn, thành phố khá khác so với những gì từng thấy trên TV, sách vở. Khác với vẻ nhộn nhịp thường thấy, Sài Gòn hoàn toàn vắng lặng, hàng quán đóng cửa, các khu phố phong tỏa hoàn toàn.
"Trước khi vào bọn mình sắp xếp cùng 1 tổ, trước kia cùng trường nhưng khác lớp khác khóa. Sau khi vào mọi người có tình cảm giống như người một nhà, giúp đỡ nhau rất quý. Sau đợt công tác biết thêm được rất nhiều người bạn" - Lâm chia sẻ thêm.
"Người dân trong mùa dịch thường không thể đi đâu, phải cách ly, họ cần một chỗ dựa tinh thần. Có những lần chúng em xuống cấp cứu tại nhà, người dân đều cảm ơn chúng em bằng những món quà, món ăn để chúng em cầm về, chúng em rất quý và trân trọng"
Tương tự với Lâm, Lưu Phương Linh cũng chia sẻ những cảm xúc của mình trước khi trở về Hà Nội:
"Sau một khoảng thời gian chống dịch, hôm qua chúng mình đã nhận được thông báo sẽ rút quân về Học viện Quân y tại Hà Nội để tiếp tục công việc học tập, chúng mình có hơi buồn vì muốn cống hiến thêm một thời gian nữa để ổn định khu vực mình đã quản lý trong suốt quãng thời gian vừa rồi.
Giao lại cho trạm y tế phường, bọn mình mong muốn rằng dịch bệnh sẽ sớm ổn định hơn. Cũng rất vui vì bọn mình là sinh viên năm cuối, nếu tiếp tục ở lại thì quá trình học sẽ bị đẩy lùi hơn 1 năm và ra trường muộn hơn".
Các học viên quen dần với cuộc sống Sài Gòn vào giai đoạn đặc biệt này
Phương Linh cũng chia sẻ những ấn tượng ban đầu đầy bỡ ngỡ khi đến với Sài Gòn: "Khi bọn mình mới vào, tất cả các con đường của Sài Gòn đều chăng dây đỏ cách ly. Hơi bất ngờ và sợ hãi. Đây là thách thức lớn với chúng mình. Sau một thời gian chúng mình dần làm quen, người dân hỗ trợ nhiệt tình hơn và công tác điều trị cũng suôn sẻ hơn.
Khoảng thời gian đầu khó khăn cho cả địa phương lẫn nhân viên y tế vì phối hợp chưa tốt, người dân chưa hoàn toàn tin tưởng. Người nhiễm và cấp cứu giảm, người dân thấy vui và mình cũng thấy được thành tựu của mình".
Sài Gòn mang lại những kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người
Khi được hỏi về một kỷ niệm sâu sắc nhất trong lòng, Phương Linh đã nghẹn ngào đầy xúc động kể lại: "Kỷ niệm sâu sắc nhất là một bệnh nhân bị đái tháo đường, gọi cho chúng mình khi bệnh đã trở nặng. Cô sống cùng với 2 em nhỏ, 2 bé đã động viên cô đến được trạm y tế phường.
Lúc đó đến trạm và phải đưa cô đi, rất muốn ôm bé đang khóc an ủi nhưng không thể vì mình đang mặc đồ bảo hộ và không nên tiếp xúc khi bé còn âm tính. Hai chị em chỉ có thể nhìn nhau khóc".
"Vì tiếp xúc với hàng ngàn hộ dân nên mọi người cũng để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm. Lúc mình đang ngồi vẫn có người dân thông báo đã được ra khỏi khu cách ly và muốn đến trạm thăm. Tuy nhiên chúng mình thông báo hôm nay chúng mình về Hà Nội rồi".
Những trải nghiệm ở TP.HCM chắc chắn sẽ là những kỷ niệm, những trải nghiệm đáng giá không chỉ với Phương Linh mà còn với tất cả những học viên của Học viện Quân y tham gia chống dịch tại đây: "Ở ngoài Hà Nội chúng mình chưa có cơ hội đi cộng đồng nhưng ở đây, tình cảm người dân dành cho chúng mình là sự tin tưởng rất lớn. Đi đến từng nhà F0, họ thực sự rất quý nhân viên y tế".
Cũng giống như bao học viên khác, Phương Linh cũng mong muốn được trở lại thăm Sài Gòn vào một ngày không xa, một ngày Sài Gòn thật khỏe mạnh với nụ cười tươi sáng.
Theo kenh14.vn