Hương thị - hương vị nhớ nhung của những ngày mùa thu tháng 8

Ở Hà Nội chẳng còn mấy nơi trồng thị đâu, lũ trẻ ngày nay thấy hương quà cũng ngơ ngác chứ không háo hức nhảy cẫng lên như lũ trẻ xưa. Nhưng mà hương thị thì vẫn thảo thơm dắt mùa thu vào phố.

 

Với lũ trẻ ngày xưa, quả thị như một món quà tuyệt vời đầy háo hức. Nhà nào có cây thị bói quả, y như rằng nhà đó sẽ đầy ắp trẻ con. Đứa dạn dĩ trèo hẳn lên cây, đứa cồng kênh nhau lấy sào mà chọc, nghịch hơn thì lấy đá, lấy dép tổ ong mà chọi lụi lên cây, quả nào rơi xuống thì rơi, còn nguyên thì may mà lỡ dập vỡ thì tiếc ơi là tiếc. 

Những buổi chợ về, ngoài mấy đồ ăn vặt vãnh, đứa nào được bà mua cho quả thị thì sướng phải biết. Rồi bà sẽ đan cho một cái giỏ bằng lạt tre lạt giang hay sang hơn thì bằng len bằng sợi để bỏ tọt quả thị trong đó. Lũ trẻ luồn giỏ thị vào tay hay giắt vào cạp quần mà tung tăng khắp xóm, như thể mang bên cạnh mình một túi hương, thi thoảng lại đưa lên mũi, áp má kề vào làn da mát rượi, tươi vàng mà nâng niu. Tối về lại cẩn thận treo giỏ thị lên đầu giường, hoặc để cạnh gối nằm, vừa ngủ vừa hít hà và mơ về nàng Tấm dịu hiền đảm đang. 

 
 
 
 

Loại quả thơm lừng này có sức mê hoặc đặc biệt lắm. Chả thế ca dao mà có câu

“Đừng chê tôi xấu tôi già

Tôi đi bán thị, mọi bà mọi hôn”

Ừ thì người ta hôn quả thị, chứ hôn đâu cái ông bán hàng mà ông khoe. Nhưng mà chuyện cả chợ, từ trẻ con cho đến mấy bà già đều vây quanh ông hàng thị mà nâng niu, mà hít ngửi cho đẫy căng lá phổi là có thật. Bởi không chỉ là thị, nó là hương vị của những buổi chớm thu.

Xứ mình có hai loại thị, một loại tròn, to như nắm tay người lớn, một loại bé xinh và dèn dẹt. Thị dẹt là thị sáp, thường để thắp hương, để ngửi chứ ít ai ăn, vì nó chát. Còn thị tròn, kém thơm hơn một tí nhưng bù lại dày cùi hơn. Sau khi ngửi chán, quả chín mềm nẫu rồi mới rón rén ăn. Mà tiếc lắm, vì ăn nghĩa là sau đó chẳng còn thị mà chơi, mà ngửi nữa.

Để ngửi thì sao cũng được, nhưng nếu muốn tận dụng để ăn, lũ trẻ sẽ tranh nhau quả méo trôn, vì sẽ ít hột, dày cùi hơn hẳn quả tròn. Ăn thị, có đứa thích vò cho thật nẫu, khéo léo cậy một nửa cuống lên, hút lấy thịt quả từ trong khe hẹp đó đến khi quả thị rỗng sạch ruột. Vỏ thị chín rồi vẫn dai chứ không dễ rách, nên nếu khéo, thịt quả mềm mọng, ngọt chát bị mút hết ra rồi mà cái vỏ vẫn còn nguyên. Ăn xong, người ta hà hơi thổi phồng vỏ quả lên, nom không kỹ sẽ tưởng vẫn còn nguyên. 

Cũng có đứa xé vỏ thị thành 4 - 5 phần như những cánh hoa, nhưng không xé hết mà đến lưng chừng thôi, để từng thớ quả thơm thảo lộ dần ra mà nhấm nháp. Ăn xong, sẵn có đất sẽ nhồi vào vỏ thị, khéo léo “đắp” lại như thật, bỏ vào giỏ mà ra ngõ nhử chúng bạn. Thể nào cũng có đứa xin, dền dứ một tí mới đem đặt vào tay, đứa ấy sẽ sung sướng tưởng bạn mình hôm nay thảo thế. Cho đến khi chúng hí hửng đưa lên mũi ngửi, mới phát giác ra bên trong đã bị tráo đổi, rồi cả lũ cười vang cả một góc vườn.

 
 

Nhưng ấy là câu chuyện của ngày xưa. Hồi ấy, người ta bán thì ít thôi, để dâng cúng, để chơi trong nhà, hay để tặng cho lũ trẻ lấy thảo. Thế nên người ta để thị chín tới từ từ trên cây, đến khi vàng ruộm, quả già đanh rồi mới hái. Thế thì thị mới thơm lâu thật lâu.

Còn bây giờ, thị hình như không còn nhiều, người chơi thị cũng không lấy gì làm phổ biến. Lũ trẻ con thành phố ít được tiếp xúc với cỏ cây, không được hưởng cái háo hức đợi chờ quả chín, nên cũng chẳng có ký ức mà nhung nhớ. Thị cũng chẳng phải thức quả ngon lành gì, nếu so với bạt ngàn hoa trái thời nay.

Nhưng thị vàng vẫn theo chân người kéo mùa thu vào phố. Những chợ cóc, chợ lớn, những xe rong vẫn có đầy các mẹt thị thơm lừng, đi ngang qua cũng khó lòng không nhung nhớ. 

Thời buổi hiện đại, buôn bán cạnh tranh, người ta khó lòng chơi thị kiểu chầm chậm, đợi chín hẳn mới hái như xưa. Nhiều quả thị bị hái lúc còn non, bé xíu xiu, xanh lét, mất luôn mùi hương của trái chín già, nhưng bù lại nom đẹp mã vì thường có lá cành kèm theo.

Hoặc người ta chọn mua thị bánh tẻ, hanh hanh nửa vàng nửa xanh để chơi được cho lâu. Từ lúc quả ương đến khi vàng ruộm cả trái, đến khi cái cuống quả teo teo, cái da hơi ngả nâu, seo seo lại như làn da của người già chớm có đồi mồi, tức là lúc thị có chín, độ thơm sâu nhất, đâu đó quãng dăm bảy ngày.

 
 

Thị cũng rẻ, khoảng 50 đến 70 nghìn một cân, nên thắp hương cũng tiện, cho trẻ con chơi cũng dễ mà mua về đặt trên bàn làm việc ở chỗ làm, thi thoảng với tay hít hà một cái cũng thú lắm. Dẫu gì, nó cũng là tín hiệu thơm ngọt của mùa thu - mùa của những lãng đãng, hoài niệm. 

Mùa nào thức nấy, cùng với những bông hoa báo mùa, cái thú chơi thị cũng là một nét duyên xưa còn ở lại, dù giờ ai cũng vội chẳng có thì giờ đan giỏ luồn tay. Chẳng được 10 phần thơm thảo của ngày xưa, thì cũng còn 7, 8 phần ký ức, cũng đủ để ngân lên trong lòng một cảm xúc bình dân, gần gũi với đất trời, cũng dịu được một tí những mùi công nghiệp suồng sã của những nước hoa, xịt khuẩn, tẩy trùng ngập trong thành phố

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/mua-thu-va-thu-qua-chi-ngui-chu-khong-an-nhung-cu-xuat-hien-la-khien-nguoi-thu-do-nuc-long-217517

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU