Karaoke hoạt động trá hình ở Hà Nội, cơ quan chức năng nói gì?

(lamchame.vn) - Sau phản ánh của VTC News, UBND TP Hà Nội giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Công an TP kiểm tra, làm rõ thông tin karaoke hoạt động trá hình.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 3703/UBND-TTĐT về việc kiểm tra, xử lý thông tin Báo điện tử VTC News nêu.

Theo Sở VHTT&DL Hà Nội, thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các cơ sở karaoke buộc phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để phòng chống dịch trong thời gian dài từ đầu năm 2020 đến ngày 8/4/2022 mới được hoạt động trở lại.

Hiện tại, phần lớn cơ sở karaoke trên địa bàn thành phố vẫn tạm dừng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

"Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy trong thời gian ngắn có nhiều thay đổi, tuy nhiên không kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý tại địa phương, các cơ sở kinh doanh karaoke không đáp ứng kịp thời với điều kiện kinh doanh theo quy định mới", Sở VHTT&DL Hà Nội nhận xét.

Thời gian gần đây, hoạt động karaoke diễn biến phức tạp, có tình trạng hoạt động ''chui'' hoặc biến tướng với cách thức thay đổi đăng ký kinh doanh, biển hiệu nhưng vẫn hoạt động tương tự karaoke, tiềm ẩn các nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, mất an toàn về PCCC.

"Ngay sau khi nắm bắt được vi phạm trên, Công an Thành phố đã chỉ đạo công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã chủ động, phối hợp chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác có liên quan đến hoạt động karaoke trên địa bàn. Mặt khác, tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ không để các cơ sở không đảm bảo quy định của pháp luật ngang nhiên hoạt động", Sở VHTT&DL thông tin.

Bên trong một quán cà phê, các phòng hát karaoke vẫn được giữ nguyên

Đồng thời, ngày 7/3/2023, UBND Thành phố đã có văn bản báo cáo và đề xuất với Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cơ sở kinh doanh karaoke đã đưa vào hoạt động trước khi quy chế 06:2022/BXD có hiệu lực, để các cơ sở tiếp tục được hoạt động kinh doanh karaoke theo quy định.

Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách đầy đủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các đơn vị để xảy ra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi chưa có đầy đủ giấy tờ thủ tục hành chính theo quy định.

"Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng tiền phạt các cơ sở vi phạm hiện nay là hơn 2,8 tỷ đồng", Sở VHTT&DL nêu.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 21 cơ sở đảm bảo các yêu cầu về PCCC để được đưa vào hoạt động trở lại, 15 cơ sở được cấp giấy chứng nhận thẩm quyền duyệt thiết kế về PCCC (đang thi công theo thiết kế được duyệt để tiếp tục được nghiệm thu PCCC và được đưa vào hoạt động, sử dụng trong thời gian ngắn sắp tới).

Bên cạnh đó, trong tổng số 1.438 cơ sở kinh doanh karaoke có 202 cơ sở đã chính thức giải thể, không còn hoạt động kinh doanh karaoke; 93 cơ sở đang tháo dỡ hệ thống âm thanh, loa đài, chuyển đổi loại hình; 128 cơ sở đã chuyển đổi loại hình (nhà hàng, cà phê, ca nhạc...).

"Karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện, do các cơ quan chức năng cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và quản lý Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật, một cơ sở karaoke phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo an ninh trật tự, phải đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Vì vậy, để xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với cơ sở karaoke cần căn cứ vào hình thức hoạt động kinh doanh và mức độ vi phạm, từ đó, cơ quan chức năng căn cứ thẩm quyền, xác định trách nhiệm quản lý và xử lý vi phạm theo chuyên ngành, quy định của pháp luật", Sở VHTT&DL nhấn mạnh.

Như VTC News đã thông tin, thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh đang hoạt động dưới mác nhà hàng, quán cà phê nhưng lại công khai đón khách vào hát karaoke.

Để hợp thức hóa, các quán này đã tháo dỡ biển hiệu karaoke, đèn điện để thay bằng những tấm biển đề tên nhà hàng, quán cà phê đơn giản, ít màu mè hơn. Tuy nhiên, bên trong quán vẫn có các phòng hát karaoke như trước và sẵn sàng phục vụ khách nếu có nhu cầu hát. Điều này làm tăng nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở kinh doanh karaoke trá hình.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU