Kết quả xét nghiệm: Vì sao có dương tính giả và âm tính giả?

Âm tính giả hay dương tính giả là tình trạng kết quả xét nghiệm thu được không chính xác với tình trạng bệnh.

Cần tuân thủ quy trình xét nghiệm chuẩn.

Chúng ta đều biết rằng mọi quy trình đều có những lỗ hổng. Ngay cả những xét nghiệm có độ chính xác cao nhất cũng chỉ cho ra kết quả đúng đến 99% mà thôi. Có một số nguyên nhân dẫn đến kết quả xét nghiệm dương tính giả và âm tính giả. Xin đơn cử một vài trường hợp dưới đây:

Khám bệnh, khai thác tiền sử, tư vấn trước xét nghiệm xem người bệnh bị bệnh vào thời gian nào? Người bệnh đã tuân thủ đúng các quy định trước khi lấy mẫu xét nghiệm chưa? Điều này rất quan trọng vì nếu không tuân thủ sẽ dẫn đến sai lệch kết quả vì có một số yếu tố gây nhiễu.

Thời điểm lấy mẫu và cơ địa/tình trạng người bệnh lúc lấy mẫu rất quan trọng. Ví dụ: Xét nghiệm HIV trong giai đoạn cửa sổ sẽ cho kết quả âm tính giả vì cơ thể người làm xét nghiệm đã nhiễm HIV nhưng cơ thể lại chưa kịp tạo ra kháng thể chống lại HIV, do đó khi xét nghiệm cho kết quả âm tính. Một số ít trường hợp cho kết quả dương tính giả. Nghĩa là thực tế người bệnh không bị nhiễm HIV nhưng kết quả trả về lại là dương tính. Có thể gặp trường hợp này do nguyên nhân: nhầm lẫn trong quá trình xét nghiệm hoặc do người bệnh khi xét nghiệm đang mắc các bệnh như xơ gan, suy gan, lao... hoặc người bệnh đang dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng nhận diện kháng thể HIV khi xét nghiệm.

Sốt xuất huyết có 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn xuất huyết, giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn sốt rất khó nhận biết bệnh. Hơn thế nữa, mặc dù sốt xuất huyết đã có xét nghiệm chẩn đoán sớm nhưng vẫn có trường hợp âm tính giả. Sự khác nhau về thời điểm lấy máu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng âm tính nhưng vẫn mắc sốt xuất huyết. Khi xét nghiệm công thức máu vào 1-2 ngày đầu tiên, lượng virus trong máu chứa nhiều nên một số trường hợp cho kết quả âm tính. Hay người bệnh làm xét nghiệm ở ngày thứ 5-6, giai đoạn virus trong máu đã giảm thì cũng có thể cho kết quả âm tính.

Để hạn chế tình trạng dương tính giả và âm tính giả, trong quá trình thực hành lâm sàng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

Kiểm tra/đối chiếu với tiền sử, bệnh sử, triệu chứng lâm sàng của người bệnh xem có phù hợp không khi có kết quả xét nghiệm. Nếu không phù hợp sẽ nhiều khả năng là kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả.

Các thiết bị xét nghiệm cần bảo dưỡng/bảo trì/hiệu chuẩn thường xuyên theo quy định. Nhân viên thực hiện xét nghiệm theo quy trình xét nghiệm chuẩn. Người bệnh nên chọn khám ở những bệnh viện uy tín và có thể tìm hiểu trước về độ chính xác của xét nghiệm. Bên cạnh đó, người bệnh chú ý tuân theo chỉ dẫn trước khi xét nghiệm, cố gắng cung cấp thông tin chi tiết và chính xác nhất cho bác sĩ, tuyệt đối không nên nói dối vì bất kỳ lý do nào.

 

 

Theo afamily.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU