Khóa học Trải nghiệm cái chết: Nắp quan tài mở ra, nhiều người bật khóc

Trải nghiệm cái chết" là một khóa học kỳ lạ, cái tên tuy có vẻ ám ảnh nhưng lại có tác dụng tích cực bất ngờ đối với nhiều người, nhất là người đang mắc căn bệnh trầm cảm.

Cách đây vài năm, khóa học "Trải nghiệm cái chết" từng là một khóa học thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người Hàn Quốc. Khóa học này ra đời như một trong những biện pháp nhằm nâng cao nhận thức giúp giảm tỷ lệ tự tử khi số lượng ca mắc trầm cảm tăng cao. Trung tâm hồi phục Hyowon tại Seoul - Hàn Quốc là nơi đầu tiên áp dụng khóa học như một phương pháp chữa bệnh. Khóa học thường chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng vào ngày cuối tuần.

Hàn Quốc hiện đang là quốc gia thuộc top đầu về tỷ lệ tử tự trong số các nước thành viên của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Cụ thể, theo thống kê, tỷ lệ tự tử trung bình của OEDC vào năm 2020 là 10,9. Số liệu này được tính theo số vụ tự tử trên 100.000 dân số tiêu chuẩn.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc thì con số này đã cao hơn gấp đôi, đạt 23,5. Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố "Thống kê nguyên nhân tử vong năm 2020" vào ngày 28/9/2021, tổng số người tử vong trong năm 2020 là 304.948 người, trong đó, số người chết vì tự tử trong năm 2020 là 13.195 người.

Các chuyên gia tạo ra khóa học này hy vọng "trải nghiệm cái chết" sẽ giúp người tham gia cảm thấy yêu cuộc sống hơn, từ đó giúp giảm bớt tỷ lệ tự tử ở người mắc trầm cảm.

Học viên theo học sẽ được mặc trang phục lễ tang, cầm khung ảnh thở của chính mình, nằm yên trong quan tài và bắt đầu tiến hành tình trạng giả chết.

Thay vì bàn ghế bình thường, học viên nằm trong quan tài và nhắm mắt, giữ nguyên tư thế nằm bất động như thế trong khoảng 10 phút, để chiêm nghiệm những năm tháng cuộc đời của mình.

Trước khi bước vào quan tài, các học viên bắt buộc phải làm bài tập là viết thư và di chúc gửi gia đình để bày tỏ cảm xúc của bản thân.

Trong những người muốn kết liễu cuộc sống ở Hàn Quốc thì lứa tuổi người trẻ chiếm tỷ lệ đáng kể. Áp lực từ học hành, thi cử và gia đình cũng như áp lực hơn thua từ bạn bè đồng trang lứa chính là nguyên nhân khiến họ cảm thấy không chịu nổi.

Còn đối với những người lớn tuổi, trung niên thì bị đè nén bởi cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền khó khăn. Nhiều cụ già cao tuổi muốn ra đi chỉ vì không muốn bản thân trở thành gánh nặng cho con cháu.

Hiệu ứng domino của các vụ tử tự gây nên những những tổn thương dây chuyền, và nỗi đau thì những người ở lại gánh chịu.

Ý tưởng của khóa học là khi nắp quan tài được đậy kín, những người theo học sẽ có khoảng thời gian suy nghĩ về những điều hạnh phúc mà họ đã trải qua trong cuộc đời.

Khi thời gian nằm trong quan tài kết thúc, khi được mở nắp thì những người theo học sẽ ngồi dậy và chia sẻ cảm nghĩ trong đầu của bản thân về những phút giây vừa qua. Nhiều người bật khóc khi đã cảm nhận được giá trị cuộc sống.

"Chúng ta cần phải sống, mỗi người phải chiến đấu với thực tại nghiệt ngã bởi được sống là một điều hạnh phúc".

 
https://soha.vn/khoa-hoc-trai-nghiem-cai-chet-nap-quan-tai-mo-ra-nhieu-nguoi-bat-khoc-20220408082731382.htm

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU