Không dùng tiền mặt để tránh lạm thu: Liệu có khả thi?

(lamchame.vn) - Chuyện lạm thu trong trường học đã không còn mới, nhưng làm cách nào để hạn chế và loại bỏ tình trạng này? Giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đó là, không dùng tiền mặt để tránh lạm thu tại các trường. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy giải pháp này cũng bộc lộ không ít bất cập.

Để các con được đến trường, nhiều phụ huynh đang đối mặt với các khoản thu đầu năm học. Ảnh: Quang Vinh.

Muôn kiểu lạm thu

Năm học 2023- 2024 vừa bắt đầu, nhưng phụ huynh lớp 1 Trường tiểu học Xuân Hòa (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) rất bức xúc, bởi năm nào học sinh khối 1 cũng phải đóng tiền lắp điều hòa mới trong khi điều hòa cũng đã có sẵn từ các khối lớp trước để lại. Biên bản thống nhất việc lắp điều hòa được ký giữa ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên có nội dung phụ huynh đồng ý trao tặng lại 12 điều hòa cho nhà trường. Số tiền đóng góp cũng cào bằng là 500.000 đồng/học sinh.

Ngoài ra, học sinh khối 1 phải đóng thêm tiền mua sách bổ trợ cao hơn giá niêm yết trên sách và 50.000 đồng cho các đồ dùng trang trí cho lễ khai giảng. Ngay sau khi phụ huynh phản ánh, nhà trường đã họp tất cả giáo viên và trả lại số tiền thu thêm cho phụ huynh.

Tháng 8/2023, nhiều phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Thanh Trì (Hà Nội) phản ánh việc "phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp".

Đầu năm học này, phụ huynh Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) nhận được thông báo về các khoản thu với tổng số tiền là 8.715.000 đồng/học sinh. Trong đó có nhiều khoản thu theo phụ huynh là vô lý hoặc không phù hợp. Ngay sau khi phụ huynh phản ánh, báo chí vào cuộc, Trường THPT Thanh Miện 3 đã có thông báo điều chỉnh các khoản thu đầu năm. Theo đó, khoản trông giữ xe giảm từ 300.000 đồng/học sinh xuống còn 100.000 đồng với xe đạp và 200.000 đồng với xe điện, xe máy điện. Nước uống giảm từ 100.000 đồng xuống 70.000 đồng. Sổ liên lạc điện tử giảm từ 150.000 đồng xuống còn 100.000 đồng. Kiểm tra chung từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng. Bỏ khoản thu 150.000 đồng tiền ti vi. Khoản xã hội hóa 300.000 đồng được đưa vào khoản thu tự nguyện, không cào bằng để làm một số công trình của nhà trường.

Như vậy, có thể thấy, rất nhiều hạng mục đã được Trường THPT Thanh Miện 3 điều chỉnh theo hướng bỏ hoặc giảm đáng kể so với thông báo ban đầu. Riêng tiền học thêm công khai mức thu theo số tiết thực học của mỗi học sinh thay vì thu gộp cả năm không rõ học môn gì, bao nhiêu tiết và học sinh nào cũng giống nhau là hơn 2 triệu đồng.

Trước đó, tháng 7/2023, hàng chục phụ huynh Trường Tiểu học Văn Luông, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) tập trung ở cổng trường vì bất bình việc trường thu 90.000 đồng sổ liên lạc điện tử một năm nhưng phụ huynh chưa từng được sử dụng dịch vụ này lần nào. Cũng ngôi trường này, năm học trước có nhiều khoản thu vô lý khiến phụ huynh bức xúc như tiền bảo vệ 90.000 đồng, hỗ trợ các hoạt động giáo dục 100.000 đồng, hỗ trợ các cuộc thi 100.000 đồng, ủng hộ cơ sở vật chất 450.000 đồng... Bức xúc hơn, sau đó một số phụ huynh được trả lại tiền với tổng số tiền là 40 triệu đồng trong khi những phụ huynh khác thì không.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội):

Phải thuận lợi cho cả nhà trường, phụ huynh

Không chỉ trong nhà trường mà thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Giải pháp này đã được Bộ GDĐT chỉ ra và nhiều tỉnh, thành phố đã và đang áp dụng. Đây là giải pháp được nhiều người ủng hộ, nhằm giúp tăng tính minh bạch, giảm công sức và giảm lạm thu. Phụ huynh lâu nay không còn phải đến tận trường để trực tiếp đóng tiền. Nhà trường cũng giảm bớt chi phí về hóa đơn giấy và tiết kiệm nguồn nhân lực.

Tôi được biết không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM mà nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh triển khai việc này nhằm hiện thực hóa Đề án "Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ. Như Quảng Ngãi, từ năm học 2023 - 2024, các trường học trong tỉnh sẽ áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Dẫu vậy, để tạo thuận lợi, không gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh, cần tránh độc quyền chỉ một app hay một ngân hàng duy nhất để thanh toán. Phải đưa ra nhiều sự lựa chọn để phụ huynh chọn phương án phù hợp nhất với gia đình. Trong giai đoạn đầu thực hiện, nhà trường cần tổ chức quầy hướng dẫn tại trường cho phụ huynh và vẫn triển khai thêm giải pháp mở là bộ phận tài vụ thu tiền trực tiếp của phụ huynh để phụ huynh từ từ làm quen.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU