Không phải để con ngã tự đứng dậy là dạy trẻ tự lập, chuyên gia tâm lý chia sẻ bí quyết "2 chiều" giúp con trưởng thành hơn

(lamchame.vn) - Cha mẹ nào cũng muốn dạy con sớm tự lập, nhưng không phải ai cũng biết cách rèn luyện cho chúng đúng đắn.

Một tình huống chúng ta thường gặp đó là, một đứa trẻ theo mẹ đến siêu thị. Bé nhất quyết đòi mẹ mua cho mình một que kem. Tuy nhiên người mẹ đó không đồng ý. Chị quyết định không mua, nhưng cậu bé đứng lại và khóc. Mẹ cậu bé yêu cầu con trai đi theo mình ngay sau khi chị đếm từ 1-3. Nếu không chị sẽ để mặc cậu bé ở lại. Sau 3 tiếng, người mẹ giả vờ bỏ đi để con trai đứng giữa siêu thị gào khóc. Cuối cùng, cậu bé không chiến thắng được sự kiên nhẫn của mẹ nên đành gạt nước mắt và chạy theo bóng mẹ từ phía xa.

Câu hỏi đặt ra rằng: Lần sau có chắc chắn cậu bé sẽ không vòi vĩnh mẹ mua cho một thứ gì đó như thế này?

Theo bác sĩ Anh Nguyễn - chuyên gia tại Mỹ, nhiều cha mẹ muốn con tự lập, muốn con biết tự suy nghĩ. Nhưng cách giáo dục đôi lúc rập khuôn và cứng nhắc khiến trẻ đi sai định hướng giáo dục của bạn.

Theo TS. Taylor, ĐH San Francisco, tự lập là cách giáo dục mà ở đó trẻ tìm thấy sự giao nhau của 2 chiều:

+ Chiều 1: Niềm tin của bạn vào trẻ và vào trải nghiệm của trẻ.

+ Chiều 2: Sự hướng dẫn của bạn cho trẻ biết cách trải nghiệm.

Khi có sự giao nhau, thì trẻ mới đạt được sự tự do trải nghiệm, học hỏi cái mới và hoàn thiện bản thân. Đó là quy trình cho sự tự lập phát triển.

+ Nếu thiếu chiều thứ 1: Trẻ có thể sẽ trở thành một trong hai dạng sau:

a. Không tự tin, không có phương hướng, luôn nhút nhát rụt rè

b. Người không có ý định đặt mục tiêu cao hơn mức trung bình

Nếu thiếu chiều thứ 2: Trẻ có thể là 1 trong 3 người sau:

a. Người lỗ mãng và hành động thiếu phân tích

b. Người khôn lỏi, nhưng theo cách không đúng đắn

c. Người hay bất đồng, thiếu lắng nghe

Nếu thiếu cả 2 chiều, trẻ có thể là 1 người có suy nghĩ lệ thuộc vào người khác.

Vậy dạy trẻ tự lập thế nào?

Nhiều cha mẹ có quan niệm về dạy con tự lập, thường cho rằng nó khóc cứ để nó khóc, nó té cứ để nó tự đứng lên, nó làm sai phải để nó chịu phạt... Quan niệm này không sai, nhưng thật sự chúng ta hiểu chưa đúng ý nghĩa và đang làm sai. Giống như phân tích của TS. Taylor, dạy trẻ tự lập là cha mẹ cho trẻ sự hướng dẫn và tin vào trẻ có thể làm, chứ chưa bao giờ bỏ mặc trẻ.

Do đó, chúng ta nên hiểu đúng là:

Khi trẻ làm cái gì sai (VD chạy chơi nhanh quá té ngã), việc bạn đỡ bé dậy hay không đỡ không thể hiện cách dạy tự lập của bạn. Cách dạy tự lập của bạn đúng là như thế này:

Nếu bạn muốn đỡ bé dậy thì hãy cứ làm. Sau đó, hãy nói: Con biết tại sao con bị té không? (chiều số 2) và lần này tay mẹ không xách đồ có thể đỡ con dậy, lần sau nếu mẹ bận hoặc không có ở đây, con biết tự đứng dậy phải không! (chiều số 1).

Nếu bạn không muốn đỡ bé dậy cũng không quan trọng. Bạn cứ nói: Con nín đi, con đứng dậy được không? (chiều số 1), hãy chống tay để ngồi dậy là được (chiều số 2).

Quan trọng là trẻ học được gì về sự tự lập?

Không phải trẻ cứ làm được là đã học về sự tự lập. Đây là một quy trình để trẻ hiểu rằng con có đủ phương pháp, công cụ để làm mọi việc và cha mẹ tin điều đó. Quy trình lột xác về nhận thức mới là chính, chứ không phải là chịu càng nhiều khổ hạnh và bỏ bê, trẻ mới lớn được.

Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ không hướng dẫn mà để trẻ tự nhận ra?

Trở lại tình huống đầu bài, đây có thể là 1 số cách mà cậu bé sẽ đáp ứng lại cách giải quyết lần thứ nhất của mẹ khi gặp trường hợp tương tự:

- Cậu bé không khóc như lần trước, không đòi, chỉ đứng đó và cho mẹ xem cái này, cái kia nhưng đang "câu giờ".

- Cậu bé sẽ nhờ người khác dẫn về, thay vì mẹ mình.

- Cậu bé vẫn tiếp tục vòi vĩnh và khóc lớn tiếng, nằm ăn vạ, khóc và ói, khóc và ho... Vì cậu bé nhận ra mẹ chẳng đi đâu được xa. Mẹ sẽ "xuống nước" khi mình khóc lóc quá nhiều.

* Cách xử lý mà người mẹ có thể làm tốt hơn và dạy con được sự tự lập:

Việc cho phép trẻ ăn kem hay không ăn là không ảnh hưởng đến quá trình dạy tự lập của chúng ta. Nó là quyết định của bạn. Điều quan trọng là lời giải thích, lí do, và hướng dẫn làm sao giúp bé nhận để tự đưa quyết định của chính mình.

Quan trọng hơn, bạn cần đưa ra lí do thật dẫn đến quyết định cho trẻ ăn hay không ăn của bạn. Và giúp trẻ nhận ra lí do này và tự đưa ra quyền quyết định về phía chúng.

Khi bạn cho phép trẻ ăn, bạn cứ vui vẻ và nói: Được, mẹ có sẵn 10k trong túi, con giúp mẹ lấy nó được không. Đừng tỏ thái độ hằn học, bực dọc khi bạn đã quyết định cho con ăn rồi.

Khi bạn không cho trẻ ăn kem vì lí do nào đó, hãy nói trẻ biết. Ví dụ, mẹ đã để ví tiền ở cốp xe rồi hoặc mẹ không mang tiền mặt, đợi mẹ hỏi họ có chấp nhận thẻ không? Hoặc lí do bạn nghĩ kem không tốt vì kém vệ sinh hoặc quá ngọt. Bạn cứ nói: Mẹ tin rằng kem ở đây không tốt, chúng ta có thể ăn ở tiệm khác hoặc mẹ cũng biết làm kem, con muốn làm kem với mẹ không?

Khi bạn nói thật quan điểm của bạn và tin vào quyết định của trẻ sau khi nghe quan điểm "yes" hay "no" của bạn, thì bạn đã tin vào trẻ rồi đó. Chính cách bạn trả lời thật suy nghĩ và quyết định của bạn sẽ mở cuộc đối thoại thành 1 cuộc thương lượng, ở đó trẻ được học về phương pháp (chiều thứ 2).

Khi bạn chấp nhận mua kem, bạn có thể nhờ trẻ cầm giúp món đồ trên tay hoặc giúp bạn lấy tiền và tự đi mua. Sau khi mua xong, trên đường về bạn thử hỏi trẻ: Con có xếp hàng mua kem không? Có kem dâu không? Con thích không?... Những câu hỏi này sẽ khuyến khích trẻ củng cố lại quy trình vừa trải nghiệm, hơn nữa bạn cũng nhận ra bao nhiêu cảm xúc của trẻ phát triển trong mỗi trải nghiệm. Trẻ con tự lập hơn khi bắt đầu nhận ra từng thay đổi nhỏ ở mỗi trải nghiệm.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU