Làm gì khi trẻ bị sốt trong mùa dịch COVID-19?

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ khi gặp các vấn đề về sức khỏe. Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay, trẻ bị sốt càng khiến các bậc phụ huynh lo lắng.

Trẻ bị sốt có đáng lo ngại?

Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Hữu nghị Việt xô: Trẻ em rất dễ biểu hiện ho, sốt ảnh hưởng bởi sự thay đổi của thời tiết, sự thay đổi nhiệt độ trong ngày, sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời. Khi cơ thể bị virus, vi trùng tấn công thì phản ứng sốt là bình thường không chỉ ở trẻ em mà người lớn cũng vậy. Phụ huynh cần có kỹ năng xử trí khi trẻ bị sốt.

"Khi trẻ sốt phụ huynh cần biết cách chườm mát, dùng thuốc hạ sốt để làm giảm triệu chứng. Sau đó phụ huynh cần theo dõi thêm các triệu chứng khác về đường hô hấp như trẻ ho, sốt cao, co giật, nhiều đờm, khó thở thì cần đưa trẻ đi khám. 

Tuy nhiên, việc đến bệnh viện cần hết sức lưu ý để phòng tránh nhiễm virus SARS-COV-2. Do đó, phụ huynh nên gọi điện đến đường dây nóng của các bệnh viện để nghe tư vấn hoặc khám từ xa với các bệnh lý từ xa", Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm đưa ra lời khuyên.

Cần theo dõi thêm các triệu chứng về đường hô hấp khi trẻ bị sốt.

Xử trí khi trẻ bị sốt như thế nào trong mùa dịch?

Đối với một số trường hợp sốt quá cao, em bé có thể bứt rứt, khó chịu, quấy khóc nhiều, một số trẻ còn bị khô mồm miệng, không ăn được nên làm cho gia đình rất lo lắng nhất là trong mùa dịch. Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm lưu ý phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế trong các trường hợp:

Thứ nhất: Nếu trẻ bị sốt ở trong vùng dịch tễ hoặc tiếp xúc với F0, F1, F2… thì ngay lập tức phải gọi điện thông báo cho đường dây nóng của cơ quan y tế địa phương hoặc của Bộ Y tế (số điện thoại 19009095) để được tư vấn và đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; Đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển đến cơ sở y tế; Rửa tay thường xuyên với xà phòng đặc biệt sau khi ho, hắt hơi, sau khi thải bỏ khẩu trang, khăn giấy.

Thứ hai: Các vị phụ huynh nên đưa trẻ bị sốt tới bác sĩ khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, không kiểm soát được nhiệt độ, trẻ bị mất nước do nôn, tiêu chảy (mắt trũng, khóc không nước mắt), hoặc trẻ xuất hiện thêm các triệu chứng mới tăng nặng.

Phòng tránh lây nhiễm Covid-19 và lây chéo các bệnh truyền nhiễm khi đưa trẻ đến bệnh viện

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm cũng nhấn mạnh, đối với người bệnh khi đi khám, điều trị tại bệnh viện, trước hết cần tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, như quy định 5K và các hướng dẫn của nhân viên y tế bệnh viện. Cụ thể như sau:

- Trước khi tới bệnh viện, bệnh nhi và người nhà cần tự kiểm tra xem mình có các yếu tố liên quan tới COVID-19 (có đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm, có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác…). 

- Nếu có các yếu tố nguy cơ, cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất hoặc theo các số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế để được trợ giúp. Nếu bắt buộc phải vào bệnh viện khám, cấp cứu thì cần đi theo đúng luồng đi mà bệnh viện đã quy định.

- Phụ huynh nên đeo khẩu trang y tế cho bản thân và cho trẻ khi tới bệnh viện. Cần lưu ý đeo khẩu trang đúng cách (mặt chống thấm quay ra ngoài, mặt thấm vào trong), nếp gấp hướng xuống dưới, thanh kim loại ôm sát sống mũi. 

- Trong quá trình mang khẩu trang không được chạm tay vào mặt ngoài; khi tháo cầm dây để tháo, rồi bỏ vào thùng rác. Khi khẩu trang ướt, rách cần thay khẩu trang mới và thay khẩu trang sau mỗi ngày làm việc. Trước khi mang khẩu trang và sau khi tháo bỏ khẩu trang cần rửa tay.

  •  

- Vệ sinh tay một biện pháp rất đơn giản, dễ làm và có hiệu quả tốt phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. Nếu bàn tay không có vết bẩn thì có thể thực hiện vệ sinh tay bằng dung dịch vệ sinh tay chứa cồn với nồng độ cồn từ 60-80%. 

- Nếu bàn tay có vết bẩn nhìn rõ hoặc sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh môi trường, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân… cần thực hiện rửa tay bằng nước với xà phòng và lau khô tay bằng giấy hoặc khăn dùng 1 lần.

- Trong quá trình cho trẻ đi khám khám, điều trị phụ huynh cần lưu ý giữ khoảng cách 2m với người xung quanh.

- Khi ở bệnh viện hay ở cộng đồng người bệnh cần chú ý tuân thủ đúng vệ sinh hô hấp, dùng khăn giấy để che miệng khi ho và hắt hơi, sau đó bỏ giấy vào thùng rác và rửa tay.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/lam-gi-khi-tre-bi-sot-trong-mua-dich-covid-19-161212806070445182.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU