Theo quy định của Luật Việc làm và Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì việc tổ chức thực hiện chế độ BHTN hiện nay đang do 2 hệ thống cơ quan đảm nhiệm là: Trung tâm Dịch vụ việc làm, là nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), xem xét và thực hiện các thủ tục giải quyết hưởng TCTN; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các quyết định hưởng chế độ BHTN; cơ quan BHXH thực hiện việc thu, xác nhận quá trình đóng BHTN, cấp sổ BHXH và tổ chức chi trả các chế độ BHTN.
Như vậy, rõ ràng để được hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động phải nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm do Nhà nước thành lập. Thông thường các trung tâm này sẽ được đặt tại các tỉnh, với các thành phố lớn thì có thể có nhiều trung tâm được đặt tại các quận.
Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do nhà nước thành lập
Để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động thực hiện 04 bước sau:
Bước 1: Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, phải nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hưởng BHTN tới trung tâm dịch vụ việc làm.
Bước 2: Đến trung tâm dịch vụ việc làm nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo ngày ghi trong phiếu hẹn.
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tới cơ quan bảo hiểm xã hội nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên.
Bước 4: Hàng tháng đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm theo đúng quy định.
Sau khi hoàn thành xong thủ tục người lao động nhận BHTN tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện theo nơi đăng ký ban đầu.
Trường hợp đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp mà có nhu cầu thì người lao động có thể chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp