Làm thế nào để phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở trẻ?

(lamchame.vn) - Sốt siêu vi (sốt virus) và sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ nhỏ và đều do virus gây ra. Việc phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết sẽ giúp cha mẹ có được cách chăm sóc cũng như điều trị hiệu quả.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gây dịch do 4 chủng virus Dengue gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua muỗi vằn chứa virus.

Sau thời gian ủ bệnh 4–10 ngày, muỗi mang mầm virus có thể lây lan virus cho người trong suốt quãng đời còn lại của nó.

Sốt xuất huyết ở trẻ thường qua 3 giai đoạn là giai đoạn khởi phát, giai đoạn xuất huyết, giai đoạn hồi phục trong đó:

Giai đoạn khởi phát trẻ sẽ sốt cao từ 39-40ºC. Trẻ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau người và đau họng, ho, sổ mũi… Các triệu chứng trẻ bị sốt xuất huyết rất giống với sốt virus.

Giai đoạn xuất huyết trẻ có thể giảm sốt, nhưng cơ thể bắt đầu nổi các dấu hiệu xuất huyết (do giảm tiểu cầu trong máu). Trẻ có thể bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết đường tiêu hóa và nặng hơn là xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng… gây nguy hiểm đến tính mạng.

Giai đoạn hồi phục trẻ sẽ hết sốt, giảm ngứa và tiểu cầu bắt đầu tăng.



Sốt siêu vi

Sốt siêu vi là hiện tượng nhiệt độ cơ thể tăng cao để chống lại tình trạng nhiễm virus cấp tính. Phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau 3–7 ngày nếu trẻ được chăm sóc và điều trị chu đáo.

Thông thường, dấu hiệu sốt siêu vi sẽ đi kèm với những triệu chứng như: Ớn lạnh, xảy ra cùng một thời điểm trong ngày, thân nhiệt không có dấu hiệu giảm bớt dù đã uống thuốc hạ sốt, đau khớp, buồn nôn và nôn, sưng mặt, phát ban.

Mặt khác, đối với trẻ bị sốt siêu vi, các biểu hiện kèm theo thân nhiệt cao (38 – 39ºC) còn có thể bao gồm: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, ho, đau cơ, tinh thần uể oải, hay quấy khóc.

Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Cách phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết giai đoạn sớm phải dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu là sốt xuất huyết thì xét nghiệm: Test Dengue(+), Công thức máu (số lượng tiểu cầu giảm, thể tích khối hồng cầu Hct tăng). Nếu sốt virus các chỉ số trên bình thường.

Ở giai đoạn toàn phát trẻ bị sốt xuất huyết sẽ bị xuất huyết dưới nhiều hình thức (da, chân răng, dạ dày…), còn sốt virus không có biểu hiện xuất huyết. Cách để phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết là: với sốt do virus, bạn dùng tay căng vùng da bị xuất huyết, nốt ban sẽ biến mất. Với sốt xuất huyết, nốt bạn sẽ không biến mất.

Bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi có biểu hiện ở giai đoạn đầu khá giống nhau tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được bằng các xét nghiệm cận lâm sàng ở giai đoạn sớm và phân biệt qua các nốt xuất huyết ở giai đoạn toàn phát.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU