Liên tiếp 7 trận động đất ở Lai Châu trong 3 tuần

Đêm qua, trận động đất thứ 7 đã xảy ra tại Mường Tè, Lai Châu, gây nhiều lo ngại về khả năng xảy ra động đất kích thích ở khu vực này do tác động tích nước của hồ thủy điện Lai Châu.

 

Tâm chấn trận động đất xảy ra đêm qua tại Mường Tè, Lai Châu. Nguồn: Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần.

Nhóm nghiên cứu của PGS Cao Đình Triều cho rằng, Mường Tè cùng với 4 khu vực khác là Lai Châu, Tuần Giáo, Yên Châu, Mai Châu có nguy cơ phát sinh động đất mạnh trên khu vực bậc thang thủy điện sông Đà. Trong đó, tại Mường Tè, động đất tự nhiên cao nhất có thể xảy ra lên tới 6,5-6,9 độ richter. Hiện khu vực này mới có động đất cực đại 4,9 độ richter. Vì vậy nguy cơ xảy ra động đất mạnh trong tương lai gần là rất lớn.

Tuy nhiên, theo PGS Triều, cũng không loại trừ khả năng, các trận động đất gần đây là động đất kích thích do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện Lai Châu từ năm 2015.

Theo nghiên cứu “Đặc điểm địa chất kiến tạo khu vực bậc thang thủy điện sông Đà”, gần như toàn bộ nguồn Mường Tè và một đoạn nguồn Nậm Nhé liên thông với lòng hồ sâu nhất của thủy điện Lai Châu. Tại khu vực này cũng xuất hiện đá xâm nhập có tuổi tác khác nhau. “Chúng tôi nhận định có nguy cơ cao xuất hiện động đất kích thích trong tương lai gần ở đây. Tuy nhiên, cần có thêm các bằng chứng khoa học mới đủ cơ sở khẳng định điều này. Trường hợp xảy ra động đất kích thích, chấn động chính sẽ không vượt quá 5,1 độ richter. Tuy nhiên, dư chấn sẽ xảy ra thường xuyên”, PGS Cao Đình Triều nhận định.

Động đất kích thích xảy ra do hoạt động của con người như sự tích nước của các hồ chứa, các vụ nổ xảy ra trong lòng đất. Tại Việt Nam, một số hồ chứa thủy điện từng xảy ra động đất kích thích như hồ chứa thủy điện Hòa Bình, hồ chứa Sông Tranh 2 và hồ thủy điện Sơn La. Trong đó động đất kích thích xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 từng gây nhiều bất an, xáo trộn cho cuộc sống người dân vùng xung quanh.

 

Theo Tiền Phong

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU