Hạt cau sấy khô (ảnh minh họa).
Cau sau khi thu mua sẽ được nhập cho các cơ sở để sấy khô trước khi xuất sang Trung Quốc, là nguồn nguyên liệu để sản xuất kẹo cau, chuyên phục vụ thị trường các nước xứ lạnh.
Tác dụng của cau
Bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Ủy viên thường trực Hội Nam y Việt Nam, cho biết cau còn có tên gọi khác là binh lang, tân lang, sơn binh lang, gia binh lang. Tên khoa học là Areca catechu (L) thuộc họ Cau (Arecaceae). Cau thường trồng bằng quả đã ươm này mầm.
Trong y học cổ truyền, hạt cau và vỏ cau đều được dùng làm thuốc, bác sĩ Trọng cho biết. Hạt cau chứa dầu béo, có vị cay, đắng, chát, tính ấm, có tác dụng giúp tiêu hóa, tiêu tích, sát khuẩn, trừ giun sán.
Vỏ quả cau chứa các chất alcaloid, có vị ngọt the, tính ấm, có tác dụng hành khí, lợi thủy, thông đại - tiểu trường. Vỏ quả cau khô chữa phù thũng, cước khí, bụng đầy chướng, bí tiểu tiện, viêm ruột ỉa chảy.
Bài thuốc từ cau
Theo ông Trọng, hạt cau khô ngày dùng 0,5 - 4g dạng thuốc sắc sẽ giúp chữa bệnh sán xơ mít, giun đũa, sán lá, chữa viêm ruột, lỵ. Ngoài ra, dưới đây là một số bài thuốc hay có sử dụng hạt cau, vỏ cau.
- Chữa bụng đầy chướng, khó thở, phù thũng: Vỏ quả cau khô 12g; vỏ rễ dâu 12g; vỏ quýt 12g; vỏ gừng tươi 12g. Tất cả các vị thuốc cho vào 300ml nước, sắc lấy 200ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày.
- Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Hạt cau khô 1-2 hạt; rộp khô (vỏ) thân cây ổi 6g. Cách làm: Thái nhỏ hạt cau trộn với rộp khô thân cây ổi cho vào 100ml nước, sắc lấy 50 ml nước thuốc, chia uống làm 2-3 lần trong ngày.