Loại thực phẩm giúp phòng ngừa ung thư, tốt cho tim và hệ miễn dịch: Việt Nam có rất nhiều

Loại thực phẩm này đã được chứng minh là tốt cho tim mạch và hệ miễn dịch, đồng thời có thể hỗ trợ phòng ngừa ung thư.

Nấm được coi là một nguồn thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng, dễ chế biến. Nấm cũng là một nguyên liệu chay khá phổ biến đối với những người theo chế độ ăn này.

Có rất nhiều loại nấm khác nhau, trong đó có những loại nấm độc, gây hại cho sức khỏe con người nếu chúng ta không biết phân biệt. Do đó, điều quan trọng khi sử dụng nấm đó là nhận biết đúng loại nấm có thể ăn được và chế biến đúng cách.

Dưới đây là những điều bạn cần biết về nấm và lưu ý khi sử dụng loại thực phẩm này.

1. Nấm có thể cải thiện đường huyết

Tiểu đường là một bệnh mạn tính biểu hiện ở tình trạng đường huyết ở mức cao hơn bình thường. Đây là bệnh lý đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện đại với nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như tim, xương khớp,...

Tiểu đường có thể ngăn ngừa hoặc điều trị được bằng cách giữ đường huyết luôn ở mức ổn định. Chế độ ăn uống ảnh hưởng khá nhiều tới đường huyết.

Nấm sò tốt cho những người bị tiểu đường. Ảnh minh hoạ.

Nấm sò (hay còn gọi là nấm bào ngư) là loại thực phẩm có tác dụng giảm lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Bạn có thể bổ sung nấm sò vào chế độ ăn uống để cải thiện mức đường huyết.

Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Jack Baron, cho biết: "Alpha-glucan và beta-glucan có trong nấm sò được cho là có thể làm giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy cảm với insulin. Đây là 2 yếu tố quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh tiểu đường".

Chuyên gia dinh dưỡng Baron cho biết thêm: "Beta-glucan đã được chứng minh là có khả năng kích thích hệ thống miễn dịch bằng cách kích hoạt các loại tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm tấn công và làm chậm sự phát triển của các khối u".

2. Nấm giúp tăng cường miễn dịch 

Nấm là loại thực phẩm tốt cho miễn dịch. Ảnh minh hoạ.

Nấm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Nấm chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng có ích cho hệ thống miễn dịch.

Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Pam Smith, cho biết: "Các nghiên cứu cho thấy các chất dinh dưỡng có trong nấm có thể tăng sức khỏe của hệ thống miễn dịch bằng cách tăng mức độ kháng virus trong cơ thể".

3. Nấm tốt cho xương 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những cách tốt nhất để tăng sức mạnh của xương là tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin D, như nấm trồng ngoài trời.

Chuyên gia dinh dưỡng Nataly Komova, cho biết: "Nấm trồng ngoài trời là nguồn cung cấp vitamin D tuyệt vời. Những loại nấm này chứa nhiều ergosterol, một hợp chất mà cơ thể chuyển đổi trực tiếp thành vitamin D."

4. Nấm giúp bạn trẻ trung hơn

Nấm là nguồn thực phẩm chống lão hoá. Ảnh minh hoạ.

Các chất chống oxy hoá có trong nấm có thể giúp làn da trẻ trung hơn. Chuyên gia dinh dưỡng Komova nói: "Nấm có nhiều chất chống oxy hóa, protein, khoáng chất, vitamin và chất xơ. Đặc biệt, với lượng chất chống oxy hóa như glutathione và ergothioneine rất cao giúp loại bỏ căng thẳng, các dấu hiệu lão hóa, bao gồm cả nếp nhăn".

5. Nấm bảo vệ tim mạch

Trong nấm có chứa kali, một chất quan trọng đối với huyết áp và tim mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, kali giúp kiểm soát huyết áp bằng cách chống lại tác động của natri và cải thiện chức năng mạch máu. 

Không những thế, theo một đánh giá trên Tạp chí Y khoa Hoa Kỳ (American Journal of Medicine) vào tháng 5 năm 2021, nấm còn giúp cải thiện mức cholesterol, chất béo trung tính và giảm viêm, từ đó có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

6. Nấm có thể giúp phòng ngừa ung thư

Nấm được cho là có thể ngăn ngừa ung thư. Ảnh: Getty.

Trong một phân tích tổng hợp của 17 nghiên cứu trên Tạp chí Tiến bộ Dinh dưỡng (Advances in Nutrition) được công bố vào tháng 9/2021, những người ăn nấm thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư vú thấp hơn 34% so với những người ăn ít hoặc không ăn nấm. 

Các chất chống oxy hoá có trong nấm, đặc biệt là ergothioneine và glutathione, có thể bảo vệ tế bào trước tác động của các gốc tự do.

Theo Nghiên cứu Phòng ngừa Ung thư (Cancer Prevention Research) tại Mỹ vào tháng 8/2019 trên 100.000 người, những người ăn 5 khẩu phần nấm mỗi tuần sẽ có ít nguy cơ mắc 16 bệnh ung thư so với những người hiếm khi ăn nấm.

7. Lưu ý khi sử dụng nấm

Nấm có thể gây ngộ độc

Có rất nhiều loại nấm độc. Ảnh: Getty.

Cho tới nay, giới khoa học đã tìm ra hơn 10.000 loại nấm khác nhau, tuy nhiên không phải tất cả đều an toàn đối với con người. Có rất nhiều loại nấm độc hoặc cực độc. Tác hại của việc ăn phải nấm độc có thể khác nhau, nhưng đa số đều dẫn đến mất nước, suy nội tạng và thậm chí tử vong.

Chuyên gia dinh dưỡng Janet Coleman cho biết: "Ngộ độc nấm xảy ra khi bạn ăn phải nấm có chứa các chất độc. Ngay cả những người hái nấm chuyên nghiệp vẫn có khả năng nhầm nhẫn nấm độc với nấm có thể ăn được".

Nấm có thể gây ảo giác

Nấm ma thuật thường đổi màu sắc, khi thì màu nâu vàng, khi lại chuyển sang xanh lục hoặc đỏ. Ảnh: iStock.

Nấm ma thuật là loại nấm tự nhiên, được xếp vào loại nấm độc do có chứa psilocybin, có thể gây ra ảo giác, hưng phấn, thay đổi nhận thức. Psilocybin được coi là chất ma túy cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. 

"Nấm ma thuật chứa psilocybin, một hợp chất gây ảo giác" chuyên gia dinh dưỡng Johna Burdeos cho biết. "Nấm ma thuật có thể gây ra các tác dụng nguy hiểm và loạn thần như ảo giác, mất kiểm soát hành vi, buồn nôn hoặc nôn."

 

(Nguồn: Eatthis, Everydayhealth)

 
https://soha.vn/loai-thuc-pham-giup-phong-ngua-ung-thu-tot-cho-tim-va-he-mien-dich-viet-nam-co-rat-nhieu-20220505090825023.htm

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU