Loạt mẹ bỉm sữa "tự hào" vì cho con bú đến 9 tuổi, chuyên gia tâm lý nhận định: "Đây là hành vi ảnh hưởng lệch lạc đến tiến trình trưởng thành của trẻ"

Những bà mẹ này "khoe thành tích" cho con bú lâu và còn khuyên những người mẹ khác cũng nên học theo mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hành vi này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

Chúng ta biết rằng, con người là một sinh vật xã hội – sự gắn bó mẹ và con chỉ là một yếu tố cần thiết trong giai đoạn mà đứa trẻ chưa hoàn thiện về mặt phát triển các mối quan hệ bên ngoài, từ cơ thể đến tư duy, từ nhu cầu thể chất đến tinh thần. Khi đứa trẻ chập chững biết đi cho đến khi thành thạo trong việc di chuyển, thì những bước chân và sự phát triển của đôi tay, giúp trẻ bắt đầu việc rời khỏi lòng mẹ để khám phá thế giới.

Thế rồi khi trẻ bước vào lứa tuổi lên 3, giai đoạn mà ta gọi là "khủng hoảng tuổi lên 3" chính là những yếu tố thúc đẩy để đứa trẻ bắt đầu có sự nhận thức về bản thân khi luôn miệng nói không – luôn có những chống đối và những câu hỏi về mọi chuyện. Trẻ bắt đầu có ý thức về cái Tôi – cái nhân cách của chính mình và sự hiện hữu của bản thể trong không gian - Thì đến lúc đó, việc "đeo bám" hay gắn bó với người mẹ qua việc cho bú, đã không giúp gì cho trẻ phát triển thêm, mà ngược lại còn có hại cho khả năng tự chủ của trẻ. Trong giai đoạn này thì chính việc cho đứa trẻ rời khỏi sự chiều chuộng, ôm ấp, làm hộ... bằng những hoạt động tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, mới là cách thể hiện lòng yêu thương.

Người mẹ vẫn có thể thực hiện việc ôm ấp, vuốt ve và nói với con những lời yêu thương khi chơi đùa và chăm sóc con chứ không nhất thiết là cứ phải cho con bú mới là tạo sự gắn bó, quan tâm hay yêu thương, để đem lại sự bình yên cho con.

Những người phê phán việc cho con bú khi con trên 3 tuổi thì lại đem yếu tố đạo đức khi gắn kết việc cho bú giống như một hành vi kích thích nhu cầu tình dục ở trẻ em. Thực ra, ngay cả những hành vi bị phê phán nặng nề, bị cấm đoán và khiến cho nhiều bố mẹ lo lắng nhất là hành động "tự sướng" ở trẻ em khi trẻ sờ soạng hay cọ sát bộ phận sinh dục, cũng không nên nhìn dưới góc độ đạo đức để cấm đoán hay buộc tội, khi xem nó có tác dụng giống với hành vi của người lớn. Ở trẻ em thì đó chỉ là nhu cầu về tình cảm, cần có sự quan tâm, cần được an ủi và nó đáp ứng sự tò mò với một số kích thích do hành vi đó đem lại. Nếu được quan tâm, chăm sóc và đáp ứng nhu cầu tình cảm, thì các hành vi đó sẽ qua đi một cách nhẹ nhàng, hay nếu có thì cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển về sức khỏe và nhân cách của trẻ.   

Việc cho con trên 3 tuổi bú mẹ cũng không phải là một hành vi đáng lên án mà ngược lại, đó là một hành vi đáng... thương! Bởi vì tuy nó đem lại cảm xúc cho mẹ và con, nhưng nó lại tạo nên một sự lệ thuộc, con sẽ khó có sự trưởng thành, tự lập về mặt nhận thức, hễ có chuyện gì là chạy về tìm đến "vòng tay mẹ" mà không dám đương đầu hay chấp nhận. Người mẹ cũng trở nên phụ thuộc vào con, không dám từ chối những yêu cầu, hay có khi còn chấp nhận cả những mệnh lệnh vô lý của đứa trẻ.

Việc không tạo được mối quan hệ gắn bó mẹ - con sẽ đem lại những hệ quả cho khả năng phát triển của trẻ, thì việc kéo dài những hoạt động gắn bó, cụ thể là qua việc cho con bú khi con đã trên 3 tuổi cũng là một điều đem lại những ảnh hưởng lệch lạc trong tiến trình trưởng thành của đứa trẻ. Chúng ta phải biết cách "ôm lấy" đứa con để tạo cảm giác an toàn cho trẻ, nhưng cũng phải biết cách "đẩy ra" với đứa con để trẻ có thể phát triển khả năng tự chủ của chính mình".

 

Link gốc: https://phunuvietnam.vn/loat-me-bim-sua-tu-hao-vi-cho-con-bu-den-9-tuoi-chuyen-gia-tam-ly-nhan-dinh-day-la-hanh-vi-anh-huong-lech-lac-den-tien-trinh-truong-thanh-cua-tre-222022168117176.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU