Trong tiếng Hán, chữ "mẹ" là kết hợp của chữ "nữ" và chữ "ngựa". Mẹ chính là người phụ nữ làm trâu làm ngựa cho những đứa con, vậy thì cớ sao chúng ta lại không yêu thương mẹ của mình?
Mẹ là người cùng một lúc có có thể đi giày cao gót, tay phải ôm con, tay trái cầm ô, lưng đeo cặp sách của con, vai đeo túi xách của mình, khuỷu tay trái còn đeo thêm túi thức ăn mới mua.
Mẹ là siêu nhân trong đời thực, là nữ thần toàn năng trong lòng các con. Mẹ không những đảm đang việc nhà mà còn lăn lộn kiếm tiền nuôi gia đình.
Cho dù con ra ngoài có thoả thích đến đâu, về nhà cất tiếng gọi đầu tiên bao giờ cũng là "mẹ ơi". Thấy bóng dáng bận rộn của mẹ, nghe thấy mẹ trả lời là lòng thấy yên bình vô bờ bến. Cứ về nhà là tìm mẹ không biết tự bao giờ đã trở thành một thói quen cố hữu của chúng ta.
Đó chính là hạnh phúc, là niềm vui trong cuộc sống.
Cho dù sau này mỗi người đều có gia đình riêng của mình, những lúc rảnh rỗi hay những khi ấm ức, chúng ta đều muốn quay trở về nhà.
Nhà là thứ luôn tồn tại mãi mãi, cũng là vòng tay ấm áp vỗ về mà chúng ta chẳng bao giờ muốn rời xa. Mẹ ở nơi đâu thì đó chính là nhà!
Có mẹ, anh chị em có chung một nhà. Mẹ không còn, anh chị em tự nhiên trở thành là người thân thích! Câu này quả thực không sai.
Có người nói, sau lưng một người đàn ông thành đạt là người phụ nữ vĩ đại. Nếu quả thật như thế, vậy thì mẹ sẽ là người phụ nữ đầu tiên.
Thứ tình cảm khó lay chuyển nhất của con người có lẽ là tình mẹ đậm sâu. Điều mà con người bận tâm nhất chính là gia đình đã sinh ra và nuôi dưỡng mình.
Tôi từng đọc được một câu nói như sau: Nếu cha mẹ không phải dành tất cả những điều tốt đẹp cho con cái, họ có thể sử dụng số tiền đã chi cho chúng ta để đi du lịch khắp thế giới.
Tôi đã rất cảm động khi đọc xong câu nói trên. Cha mẹ đã phải hy sinh rất nhiều để con cái được lớn lên vui vẻ, mạnh khoẻ. Vậy mà chúng ta đã làm được gì cho cha mẹ?
Cha mẹ vất vả vì con cái biết bao năm, tiết kiệm chắt chiu, chịu bao nhiêu mệt nhọc. Cả cuộc đời họ lận đận với biết bao với nỗi khó khăn không kể xiết.
Mặc bệnh tật quấn thân, họ vẫn bôn ba vất vả vì thương con. Con cái trưởng thành có gia đình riêng, còn cha mẹ thì ngày càng già yếu. Khi ấy tấm lưng họ đã còng, đi lại khó khăn, nước mắt họ rơi chẳng biết khi nào ngừng.
Người ta nói nuôi con để cậy nhờ khi tuổi già, trăm chữ thiện chữ hiếu đứng đầu, con cái quấn quýt bên cha mẹ, phụng dưỡng chăm sóc, ấy là đạo nghĩa muôn đời không bao giờ thay đổi.
Cuộc sống của người già chỉ vui vẻ khi có người bầu bạn, được quây quần cùng con cháu. Lỡ như có một người đi trước, người còn lại sẽ cô đơn biết bao, lỡ như bị con cháu bỏ rơi, cuộc sống sẽ tuyệt vọng nhường nào?
Vậy nhưng trong cuộc sống này, có biết bao nhiêu người con chưa thể làm tròn đạo hiếu? Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể tháng ngày!
Hiếu thảo không quan trọng giàu nghèo, muốn báo đáp ơn sinh thành dưỡng dục thật chẳng khó khăn gì. Đó có thể chỉ là những lời hỏi han ân cần, những lời động viên kịp thời, hay có khi chỉ là sự hiện diện thường xuyên của chúng ta mà thôi.
Cha mẹ chính là Phật của đời ta, hiếu kính với cha mẹ là sự tu dưỡng tuyệt vời nhất mà mỗi người đều nên làm cho trọn vẹn. Phúc lộc ở đời cũng là từ chữ hiếu mà ra, người hiếu thảo có trời xanh chứng kiến che chở, mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió.
Ngược lại, kẻ bất hiếu sẽ chẳng làm nổi việc gì, có khá giả giàu có rồi cũng sẽ tiêu tan. Luật nhân quả ở đời, luôn luôn là như vậy.
Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo, ngay cả đến người sinh thành dưỡng dục mà còn vong ân bội nghĩa thì chắc chắn, cuộc đời họ sớm muộn cũng bỏ đi.
Link báo gốc: http://ttvn.toquoc.vn/luan-ve-chu-me-khien-nguoi-lam-con-cay-mat-820202469756982.htm
Theo Trí Thức Trẻ